Theo số liệu thống kê đến nay, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện chiếm 26,5% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Có thể khẳng định rằng, các doanh nhân nữ đã và đang đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế đất nước.
Tích cực hỗ trợ doanh nhân nữ đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp sạch nông nghiệp công nghệ cao
Các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn.
Với lợi thế tuổi trẻ, có kiến thức và dám nghĩ dám làm cùng với sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng đã giúp nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công. Từ Pháp trở về Kon Tum - Việt Nam lập nghiệp, Huỳnh Đinh Hà Giang đã thành lập công ty BioPhap chuyên về sản xuất nông sản hữu cơ và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. BioPhap hiện đã sở hữu 5 nông trại hữu cơ với tổng diện tích hơn 50ha và 120 loại cây được cấp các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Mỹ), JAS (Nhật Bản), AB (Châu Âu). Agribank là ngân hàng hỗ trợ tích cực cho những dự án táo bạo và khả thi của BioPhap, hỗ trợ doanh nghiệp tới 70% tổng số vốn cần có.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Huỳnh Đinh Hà Giang, Tổng giám đốc Công ty BioPhap khẳng định: “Tất cả những sản phẩm của BioPhap đều là những sản phẩm sạch, ứng dụng tối đa công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo... vào sản xuất, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng khi tới tay người tiêu dùng”. Chị nhấn mạnh: “Nếu không có Agribank đồng hành cùng những ý tưởng táo bạo của bản thân, chắc em không có đủ khả năng và cũng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển BioPhap như vậy”...
An tâm về nguồn vốn, người phụ nữ ấy đã thỏa chí sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển của công ty. Agribank là một trong những trợ lực vững chắc cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch nông nghiệp hữu cơ. Agribank đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, tùy từng trường hợp cụ thể khi khách hàng tham gia vào các khâu khác nhau của quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Tính đến cuối năm 2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình cho vay phát triển nông nghiệp sạch nông nghiệp công nghệ cao của Agribank đã đạt trên 26.000 tỉ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỉ đồng với gần 4.000 khách hàng, trong đó, có gần 100 khách hàng doanh nghiệp và 3.900 khách hàng là cá nhân. Ngoài ra, có thể kể đến một số dự án lớn Agribank đã đầu tư với quy mô vốn lớn như dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long với doanh số cho vay hơn 4.100 tỷ đồng; các dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận có doanh số cho vay hơn 3.700 tỉ đồng. Đáng chú ý, có các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Hà Nam với doanh số cho vay gần 5.000 tỉ đồng...
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua hợp tác với tổ vay vốn, hội phụ nữ
Agribank không ngừng tích cực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn thông qua việc liên kết chặt chẽ với các tổ vay vốn, hội nông dân, hội phụ nữ… Đây là một trong những kênh dẫn vốn hiệu quả tới người dân khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt vùng nông thôn miền núi xa xôi hẻo lánh. Mô hình này đã phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua bởi thủ tục nhanh gọn, dẫn vốn hiệu quả tới người dân và tỉ lệ nợ xấu rất thấp.
Thông qua các tổ vay vốn, tổ liên kết, hội phụ nữ và những nỗ lực của từng cán bộ tín dụng… Agribank tích cực đưa đồng vốn tới người dân, đến tháng 12.2020, Agribank đã cho vay qua tổ vay vốn với dư nợ cho vay đạt 172.271 tỉ đồng, tăng 12.547 tỉ đồng so với năm 2019, với 1.408.795 khách hàng, 68.938 tổ vay vốn, nợ xấu rất thấp chiếm tỉ lệ dưới 0,4%. Các chương trình tín dụng tiêu dùng, đời sống đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt 24.068 tỉ đồng, dư nợ 2.475 tỉ đồng, số khách hàng lũy kế từ đầu chương trình là 458.326 khách hàng.
Nguồn vốn của Agribank thông qua liên kết với hội phụ nữ, tổ vay vốn đã giúp nhiều phụ nữ hiện thực hóa ước mơ của mình. Chị Nguyễn Kim Thoa – Phường 5 Thành phố Đà Lạt – Tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Yếu tố quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, đặc biệt đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đó là nguồn vốn, bởi đầu tư công nghệ cao cần rất nhiều vốn. Chị Thoa đang thành công từ việc đầu tư phát triển trang trại trồng hoa của gia đình theo công nghệ cao của ISAREL từ nguồn vốn Agribank.
Bên cạnh đó, chị Phạm Thị Thanh Tuyền, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trùn quế từ những phế phẩm rau củ quả thừa trên địa bàn, khẳng định: "Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp thì yếu tố vô cùng quan trọng là được sự hỗ trợ về nguồn vốn. Agribank đã hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp để chúng tôi nuôi trùn quế với diện tích 600m2 tạo thu nhập thêm cho 9 hội viên phụ nữ ngoài công việc chính và dự định mở rộng tới trên 1000m2 trong thời gian tới".
Thông qua tổ vay vốn, Agribank hỗ trợ phát triển mô hình nuôi trùn quế bằng rác thải hữu cơ của hợp tác xã trùn quế xã Quảng Lập, góp phần hiện thực hóa ước mơ phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bảo vệ môi trường của người phụ nữ giầu nghị lực Phạm Thị Thanh Tuyền. Dự án của chị thuộc Top 3 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc do Hội phụ nữ Lâm Đồng tổ chức năm 2018 và thuộc Top 100 ý tưởng cấp quốc gia.Hoạt động cho vay vốn ủy thác thông qua tổ chức hội phụ nữ, hội nông dân của Agribank đã có những tác động tích cực vào các chính sách chương trình dự án lớn của nhà nước: chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kinh tế địa phương đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc ở nhiều địa phương. Hiệu quả của hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đã được chứng minh qua thực tế và được chính người trong cuộc ghi nhận: Chị Nghiêm Thị Hoài, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Mô hình cho vay qua tổ vay vốn của Agribank là một hình thức vay vốn rất hiệu quả vì ít rủi ro và người vay vốn được hỗ trợ ưu tiên trong nhiều trường hợp. Chị Nghiêm Thị Hoài là một trong những khách hàng lâu năm của Agribank, chị đi lên thoát nghèo từ nguồn vốn Agribank nhờ đầu tư chăn nuôi bò sữa. Hiện chị mua được 1 mẫu đất để trổng cỏ nuôi bò, chăm sóc đàn bò gần 10 con, thu nhập mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.
Thông qua các hình thức cho vay qua tổ vay vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Agribank đã giúp khách hàng, đặc biệt là khách hàng nữ phát triển kinh tế. Nguồn vốn Agribank nâng niu, hỗ trợ, hiện thực hóa từ những dự án quy mô nhỏ góc độ gia đình tới những dự án lớn với mơ ước vươn tầm quốc tế… của những người phụ nữ trên khắp mọi miền tổ quốc.