UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản về việc dừng triển khai thực hiện dự án chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích kinh tế trang trại tại khu đồng Giữa, thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong.
Theo đó, xét đề nghị của UBND huyện Yên Phong về kết quả xác minh làm rõ phản ánh của báo chí, để xử lý dứt điểm dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có ý kiến như sau:
Thứ nhất, dừng triển khai thực hiện dự án chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích kinh tế trang trại tại khu đồng Giữa, thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong do Chủ đầu tư không thực hiện đúng các nội dung theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Thứ hai, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND huyện Yên Phong tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xong trước 30.12.2022.
Thứ ba, giao UBND huyện Yên Phong chỉ đạo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Đại Phát tiếp tục thực hiện san lấp đất, cát đảm bảo hiện trạng và chiều sâu như Giấy phép khai thác khoáng sản đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh, xong trước 30.12.2022.
Trước đó Báo Lao Động số ra ngày 7.10 có bài viết "Bắc Ninh: Núp bóng dự án vườn ao chuồng, doanh nghiệp khai thác tài nguyên đem bán", phản ánh bức xúc của người dân tại dự án vườn ao chuồng do Công ty Trường Đại Phát làm chủ đầu tư tại xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Nguyên do, dưới danh nghĩa thực hiện dự án vườn ao chuồng, công ty Trường Đại Phát đã khai thác trái phép hơn 61 nghìn m3 đất cát.
Hậu quả để lại là 4,9 héc ta đất nông nghiệp màu mỡ bị bỏ hoang, biến thành hồ nước sâu hàng chục mét. Trong khi đó, những người dân địa phương thì đang thiếu đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp.
UBND huyện Yên Phong đã kiểm tra và kết luận công ty trên khai thác quá diện tích được cho phép là hơn 3.900 m2, quá khối lượng được cho phép là hơn 61 nghìn m3, độ sâu trung bình vượt mức cho phép 2,4m.
Trao đổi với phóng viên, người dân xã Hoà Tiến cho rằng, UBND xã Hoà Tiến thời điểm đó đã buông lỏng quản lý, phớt lờ ý kiến phản ánh của nhân dân, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp "rút ruột" 61 nghìn m3 cát trái phép, trong thời gian dài, khiến 4,9 héc ta đất nông nghiệp màu mỡ thành đất hoang hoá.