Làm việc hết công suất
Bác sĩ CKII. Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - thông tin, khoa Điều trị tia xạ được đưa vào hoạt động từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, cả khoa chỉ có một máy xạ trị Cobalt 60, trong khi lượng bệnh nhân cần được xạ trị chiếm khoảng 70%. Do đó, máy Cobalt 60 hoạt động hết công suất 24 giờ/7 ngày mà vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Chưa kể những lúc máy hư, mọi hoạt động của khoa dường như bị đình trệ.
Theo bác sĩ Phong, lượng bệnh nhân điều trị tại khoa Điều trị tia xạ của bệnh viện đang ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa xạ trị từ 90 - 100 bệnh nhân, trong khi số lượng bệnh nhân chờ được xạ trị khoảng 200 người bệnh, thậm chí có khi lên đến 300 - 400 người bệnh.
Do đó, khoảng 2 năm nay, các y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên tại khoa phải tăng cường làm việc 4 ca, kể cả ca đêm từ 23h đến 5h sáng, đồng thời làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết tình trạng quá tải của người bệnh.
“Vừa trực ca đêm vừa làm việc trong môi trường bức xạ độc hại, thiếu ánh sáng, thay đổi sinh lý và sinh học của cơ thể, điều này lâu dài càng ảnh hưởng tới sức khỏe của các nhân viên y tế” - bác sĩ Phong nói.
Bác sĩ Phan Dương Thanh Duy (Khoa Điều trị tia xạ - Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ) cho rằng, bệnh nhân càng đông thì bác sĩ càng phải gồng gánh. Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không được xạ trị do quá tải, chờ đợi lâu khiến bệnh tình nặng hơn và phải chuyển phương pháp điều trị hoá trị rất tội nghiệp. Do đó, có những lúc bản thân gần như kiệt sức nhưng vẫn cố gắng đồng hành cùng các bệnh nhân.
Bệnh nhân trắng đêm đợi xạ trị
Suốt gần một tháng nay, đêm nào ông Nguyễn Hoàng Tuấn (54 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) phải thức trắng đêm để chờ tới lượt được xạ trị. “Do lượng bệnh nhân chờ xạ trị quá đông nên đến khi tới lượt tôi thì phải xạ trị vào ca đêm. Mặc dù thức đêm mệt mỏi, cực nhọc nhưng vì đau nhức quá nên tôi cũng đành phải chấp nhận” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, việc phải chờ đợi quá lâu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và tâm lý của những người bệnh. Ông Đặng Duy Đức (43 tuổi, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, đến nay ông đã xạ được 7 tia, những ngày qua không có đêm nào ông ngủ được, lúc nào cũng lo lắng, thao thức để chờ đợi. Đồng thời, người thân của ông phải bỏ bê công việc ở nhà để vào chăm sóc, thức cùng ông cả đêm nên rất vất vả.
Còn với chị Nguyễn Cẩm Thiện (tỉnh Vĩnh Long), dù đang bệnh nặng nhưng đêm nào cũng phải di chuyển từ nhà qua bệnh viện, nằm ghế đá thao thức cả đêm để chờ đợi tới lượt xạ trị. “Bệnh viện quá tải, không có chỗ cho bệnh nhân nghỉ ngơi, dù sức khoẻ tôi đau yếu như vậy nhưng đêm nào cũng phải nằm ở ghế đá, thức từ 23h đêm cho đến 5h sáng chờ xạ trị xong mới được về” - chị Thiện ngậm ngùi.
Bệnh viện cũ quá tải, bệnh viện mới hoang tàn
Trong khi đó, Dự án Bệnh viện Ung bướu mới cơ sở tại đường Nguyễn Văn Cừ thi công 6 năm nay vẫn chưa xong, nơi đây như đại công trường hoang tàn. Theo tìm hiểu, suốt gần 2 năm qua, toàn bộ máy móc, thiết bị không hoạt động, cũng không có công nhân lao động tại công trường.
Ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - bày tỏ mong muốn được lãnh đạo TP Cần Thơ quan tâm, hỗ trợ đầu tư máy xạ trị gia tốc mới để có thể giải quyết được tình trạng quá tải của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cần thiết của người bệnh.
Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mong muốn được Chính phủ và lãnh đạo TP xem xét, làm sao để hoàn thành được dự án Bệnh viện Ung bướu mới (cơ sở trên đường Nguyễn Văn Cừ) trong thời gian sớm nhất có thể, để giảm gánh nặng cho người bệnh ung bướu ở Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL.
Cần Thơ chủ động đương đầu với tình hình bệnh đậu mùa khỉ
Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin, trường hợp bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn là bệnh nhân nam và hiện được cách ly an toàn để điều trị. Đến nay, tình hình bệnh nhân ổn, có khả năng trong thời gian ngắn sẽ được xuất viện.
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - thông tin: Xác định mức độ nguy hiểm của bệnh, TP Cần Thơ đã truyền thông cho gia đình, xã hội trong công tác phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân. Về công tác truy vết, có thể nói bệnh đậu mùa khỉ đã có từ lâu, tuy nhiên bệnh cảnh này lại đi theo những đối tượng mang theo bệnh cảnh khác.
“Đối với đậu mùa khỉ, chúng tôi cho rằng, khi đã xâm nhập vào Việt Nam thì các địa phương cũng khó tránh khỏi, do đó công tác chuẩn bị về dược liệu chuyên môn, hóa chất vật tư cũng được chuẩn bị tương đối đầy đủ và sẽ chủ động đương đầu với tình hình bệnh dịch này. Đến nay, công tác chuẩn bị cũng như các cơ sở thu dung đều đã sẵn sàng, khả năng đáp ứng thu dung đều đạt yêu cầu” - ông Giang cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, bệnh đậu mùa khỉ nằm ở mức độ trung bình và hiện tại trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, với năng lực và khả năng điều trị của Việt Nam, các thuốc kháng virus có thể đáp ứng và mang lại hiệu quả cũng khá tốt, thời gian hồi phục bệnh nhân khá nhanh.
Ngoài ra, bệnh lây qua đường truyền máu, da niêm mạc, đặc biệt là quan hệ tình dục không lành mạnh. Đó là những đường truyền khó xảy ra trong cộng đồng, ít nguy cơ làm bùng phát dịch lớn. Vì vậy, cộng đồng cũng không nên có thái độ đối xử kỳ thị với người bệnh đậu mùa khỉ.