Già hoá dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đã chính thức là quốc gia già hoá dân số, tức là tỷ lệ người cao tuổi lớn hơn 10%. Hơn thế, theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo quốc gia về sa sút trí tuệ lần thứ 2 sáng nay (17.10) tại Hà Nội, GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết cùng với sự gia tăng của tuổi thọ trung bình, mô hình bệnh tật của nước ta cũng đang thay đổi nhanh chóng.
"Một mặt chúng ta phải đương đầu với bệnh lây truyền, mặt khác chúng ta phải đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, điển hình là sa sút trí tuệ - một trong những thảm hoạ về sức khoẻ nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21" - GS.TS Phạm Thắng nhấn mạnh.
Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ và các lĩnh vực nhận thức khác, gây nên nhiều rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hiện tại trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính cứ sau mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Dự báo đến năm 2050 trên thế giới sẽ có 152 triệu người mắc căn bệnh này. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) chi phí dành cho chăm sóc, điều trị bệnh nhân sa sút trí tuệ gây nên là 1000 tỷ đô la Mỹ.
"Nhìn chung nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn nhiều hạn chế, đa phần coi đây là biểu hiện không tránh khỏi của người già. Vấn đề chăm sóc bệnh nhận sa sút trí tuệ cũng như hỗ trợ người chăm sóc cũng là những thách thức lớn của hệ thống an sinh xã hội nước ta" - GS.TS Phạm Thắng nhận định.