Tích hợp giấy tờ vào căn cước công dân gắn chip nhưng chưa... sử dụng
Giữa tháng 5 vừa qua, khi làm căn cước công dân gắn chip, anh Nguyễn Văn V (44 tuổi, ở quận Hà Đông) được cán bộ cấp thẻ Căn cước công dân của quận Hà Đông (Hà Nội) hỏi cần tích hợp những loại giấy tờ gì. Anh V đã tích hợp Giấy phép lái xe, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội...
Sau khi nhận được thẻ, anh V chưa có điều kiện để sử dụng, đồng thời không biết sẽ sử dụng các tiện ích, dịch vụ công này bằng căn cước công dân gắn chip ở đâu, nên đến bây giờ vẫn chưa sử dụng nó lần nào.
Tương tự, anh Nguyễn Viết H (quận Tây Hồ, Hà Nội) làm căn cước công dân gắn chip từ sớm, ngay thời gian đầu dự án này được triển khai thực hiện. Vừa qua, anh H mới tích hợp một số loại giấy tờ tương tự như anh V.
“Tôi chưa sử dụng căn cước gắn chip này cho các thủ tục hành chính nên chưa biết nó tiện ích ra sao”, anh H chia sẻ.
Ví như trường hợp đã tích thông tin bảo hiểm y tế trên thẻ căn cước công dân gắn chip, không phải bệnh viện nào cũng thực hiện.
Như Lao Động đưa tin, cơ sở dữ liệu của 40 triệu người tham gia bảo hiểm y tế được cơ quan bảo hiểm liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, nhằm thực hiện việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, cả nước đến nay chỉ có khoảng 40.000 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (tính tới thời điểm tháng 5.2022).
Theo một chuyên gia về bảo hiểm y tế, việc triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip cần làm từng bước, có lộ trình, tiến hành song song với các hình thức sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy, sử dụng app của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để khám chữa bệnh như hiện nay, nhằm đa dạng hóa hình thức để người dân có thể làm thủ tục khám chữa bệnh nhanh nhất.
Song, để có thể triển khai đồng loạt được việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế các giấy tờ truyền thống trong khám chữa bệnh là một hành trình dài.
Về vấn đề trên, Bộ Công an cho biết, đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin Bảo hiểm y tế lên thẻ căn cước công dân phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các Cơ sở khám chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kết nối và hoàn thiện hệ thống theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số...
Những bất cập khi công dân có quá nhiều giấy tờ
Trong báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân, Bộ Công an cho biết, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...
Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công…
Luật Căn cước công dân hiện nay cũng không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR Code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát, chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.
Đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa.
Trong thực hiện chuyển đổi số, việc xác định, định danh công dân trên môi trường điện tử (công dân số) là rất cần thiết; Luật Căn cước công dân là văn bản quan trọng quy định về quản lý, định danh một công dân cụ thể nhưng hiện nay mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ căn cước công dân mà chưa có quy định về việc xác định, quản lý, định danh công dân trên môi trường điện tử nên gây khó khăn trong phát triển các tiện ích, triển khai dịch vụ công, quản lý các giao dịch điện tử quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.