Chạm vào Hoàng Sa, Trường Sa

Thanh Hải |

Từng chạm vào Hoàng Sa, chứng kiến nhiều những thương đau, mất mát của thân nhân các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa, thân nhân các ngư phủ bị thiệt mạng ở miền Trung, tôi như thấm hơn 2 chữ Tổ quốc. Từng mét đất biên cương, từng vùng biển đảo quê hương đã thấm đẫm bao máu xương của cha anh, những lớp tiền nhân, nên thiêng liêng, thương quý làm sao.

Có một “Trường Sa” ở Cam Ranh

Trong dòng người đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa những ngày tháng 7 năm nay có ông Trần Văn Chính, trú tại TP.Hải Phòng, là em trai liệt sĩ Trần Văn Chức, quê huyện Hưng Hà, Thái Bình. Đây là lần đầu tiên ông Chính và gia đình đến nơi “thờ tự chung” của anh trai - trong số 64 liệt sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa.

Nhìn người đàn ông gần 60 đổ sụp xuống, nức nở khóc khi chạm đến di ảnh, dòng tên anh trai mình - liệt sĩ Chức ở bia tưởng niệm Gạc Ma - ai cũng rưng rức lòng. Ông Chính nói, anh tôi hy sinh đã hơn 34 năm, khóc thương, tiếc nhớ cũng đã mòn. Ở quê nhà, ngành Lao động - Thương binh - Xã hội, chính quyền, các đoàn thể cũng đã chăm nom, thăm hỏi chu đáo đối với gia đình liệt sĩ, nhưng đến đây, tôi có cảm xúc hoàn toàn khác lạ. Như được gặp lại, như được ôm lấy người thân mình...

Khi Báo Lao Động tổ chức những cuộc giao lưu với thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đầu tiên để thực hiện chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” (năm 2014), vợ của liệt sĩ Phan Huy Sơn (Nghệ An) là chị Trần Thị Ninh cũng vật vã khóc như mới lần đầu nghe hung tin chồng hy sinh. Và bây giờ, con chị Ninh là Phan Thị Trang cũng nức nở khi chạm - thấy kỷ vật của cha - chiếc áo bluose của liệt sĩ Phan Huy Sơn ở bảo tàng của Khu tưởng niệm này.

Tác giả (đeo kính) và các đồng nghiệp trên tàu Cảnh sát biển 4033 - ngoài vùng biển Hoàng Sa tháng 5.2014.
Tác giả (đeo kính) và các đồng nghiệp trên tàu Cảnh sát biển 4033 - ngoài vùng biển Hoàng Sa tháng 5.2014.

Giọt nước mắt chảy dài trên má ông Chính, cái cánh tay run rẩy của Phan Thị Trang khi chạm - thấy kỷ vật của cha, mấy hôm nay cứ ám ảnh tôi, thương cảm lạ lùng. Cảm xúc đó rất thật, nhiều người cảm nhận được, nhưng không phải ai cũng có thể diễn tả thành lời. Đó là một trong những lý do quan trọng để Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma hình thành, để những người không có điều kiện ra đến vùng biển Gạc Ma, Trường Sa cũng có thể đến đây tưởng nhớ, “gặp gỡ” người thân của mình.

Tôi còn nhớ, khi viết về các sự kiện liên quan đến các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sếp cũ của tôi - nhà văn Vĩnh Quyền - có nhắc, đại ý là “Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử”. Ông quan niệm, tình yêu nước phải cụ thể. Hàng vạn trang sách báo cũng không bằng một lần được đến với Trường Sa, Hoàng Sa... Nhưng đến tận những vùng biển đảo xa xôi đó của Tổ quốc, thì không phải mọi người dân đều may mắn được trải nghiệm.

Đi Hoàng Sa lại mang đến những cảm giác khác

Với tôi, Hoàng Sa bấy nay là vùng biển đảo tươi đẹp, trầm luân nhưng rất mờ xa qua ký ức của bao người là nhân chứng từng sống, làm việc ngoài đảo trước 1974 - là những nhân vật trong hàng chục bài báo của mình. Thế rồi năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, bao lớp trai hùng trong lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân miền Trung lên đường, xông pha vùng biển nóng để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đã may mắn được tháp tùng các anh ra Hoàng Sa.

Chưa bao giờ Hoàng Sa lại gần gũi đến thế. Tôi như nếm được vị mặn của biển, mùi hương của gió và tiếng rì rầm sóng Hoàng Sa vỗ ngay dưới thân tàu. Sau những giờ quần nhau với tàu Trung Quốc, mắt ai cũng quầng thâm vì mệt lả người. Nhưng những neo tàu giữa biển, trăng sao Hoàng Sa yên bình, thi vị đến lạ lùng. Tình cảm ngưỡng vọng, thương nhớ Hoàng Sa từ đất liền luôn trong tôi lại trào lên. Làm sao có thể đành lòng được khi ở đáy sâu hơn ngàn mét nước dưới thân tàu là cả nghĩa địa của bao lớp tiền nhân. Ngoài những hùng binh của Đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải từ các triều đại phong kiến, còn trùng trùng mộ phần của ngư phủ miền Trung. Những điều này không phải trên các trang sách sử, trong các lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, mà bấy giờ tôi đang nghe, đã chạm qua cơn gió lạnh, khắc khoải chạy vuốt thân tàu. Tôi như đã sờ nắn được một Hoàng Sa.

Tác giả trên tàu Cảnh sát biển 4033 - ngoài vùng biển Hoàng Sa tháng 5.2014.
Tác giả trên tàu Cảnh sát biển 4033 - ngoài vùng biển Hoàng Sa tháng 5.2014.

Suốt một tuần trên vùng biển nóng Hoàng Sa, tôi đã có dịp sang thăm nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam. Chứng kiến được khả năng tinh nhuệ các chiến sĩ  trẻ khi tác chiến, một tinh thần quyết liệt vì chính nghĩa, vì dân tộc, chợt thấy yên lòng. Những con tàu chấp pháp của Việt Nam không chỉ có máy lớn, đảm bảo tốc độc cao, sự cơ động tuyệt vời mà còn được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Chúng tôi thật sự tin tưởng vào khả năng phòng vệ ở vùng biển quê mình. Nhưng rồi, khi chứng kiến những con tàu cá mong manh thô sơ của ngư dân miền Trung hiên ngang thẳng tiến, tôi mới hiểu sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa không hẳn chỉ dựa vào tàu to, súng lớn.

Từng “chạm” vào Hoàng Sa, chứng kiến nhiều những thương đau, mất mát của thân nhân các gia đình liệt sĩ, thân nhân của ngư phủ bị thiệt mạng ở miền Trung, tôi như thấm hơn 2 chữ Tổ quốc. Từng mét đất biên cương, từng vùng biển đảo quê hương đã thấm đẫm bao máu xương của cha anh, những lớp tiền nhân, nên thiêng liêng, thương quý làm sao.

Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Thống nhất ý tưởng hoàn thành khu tưởng niệm Gạc Ma giai đoạn 2

Hữu Long - Thanh Thúy |

Cả lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thống nhất quan điểm sẽ xây Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giai đoạn 2 với các công trình công viên cây xanh, gắn kết hài hòa với khu tưởng niệm, nhà trưng bày phục vụ khách tham quan, du lịch. Việc đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự án là nguyện vọng chính đáng của thân nhân liệt sĩ, công nhân, viên chức, lao động trên cả nước…

Tháng 7 ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Hữu Long |

Công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thể hiện sự tri ân của nhân dân, người lao động và đoàn viên công đoàn cả nước tưởng nhớ về những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc… 

Ngọn lửa yêu nước truyền lại mai sau từ câu chuyện Gạc Ma

Nhóm PV Miền Trung |

64 Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.