Theo ông Lê Ngọc Tuấn, trước đó, người dân địa phương lo ngại cây cầu thi công hơn 1 năm nhưng chưa hoàn thành, vì chỉ nhìn thấy có 2 mố trụ cầu bên sông. Thực tế thì không phải, đơn vị thi công vẫn đang nỗ lực để hoàn thành sớm cây cầu như dự kiến.
Các bộ phận lắp ráp cầu treo ở địa điểm khác, hiện đã gần xong, chỉ cần di chuyển tới lắp đặt vào 2 mố trụ cầu là thành công, doanh nghiệp thi công cam kết sẽ lắp đặt xong cầu trước ngày 15.8 này.
Mới đây, khi nhận được thông tin người dân hai xã lại lắp dây để đu qua sông, mặc dù bận rộn chỉ đạo tại các chốt chặn, kiểm soát dịch COVID-19 nhưng ông Tuấn vẫn gọi điện yêu cầu UBND huyện Ngọc Hồi sớm phân công lực lượng ngăn người dân qua sông, gây nguy hiểm đến tính mạng. Huyện Ngọc Hồi đã cử Công an, Dân quân xã lập chốt bên dòng sông Pô Cô, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm túc.
Nhiều năm qua, người dân ở 2 xã Đăk Nông và Đăk Ang vẫn thường đu dây qua sông Pô Cô mùa lũ lớn để lên nương rẫy thu hoạch cà phê, caosu, tiêu… bất chấp hiểm nguy. Làng quê thuần nông, đời sống người nông dân phụ thuộc chính vào canh tác nông nghiệp.
UBND xã đã nhiều lần xuống hiện trường, nhỏ bỏ cột neo, dây xích đu… để ngăn người dân có hành động nguy hiểm. Sau đó, chính quyền vận động làm bè gỗ, trên lợp ván gỗ, dưới thùng phi nổi để kéo sang sông an toàn, tuy nhiên người dân vẫn… đu dây cho thuận tiện và sang sông nhanh hơn, vận chuyển được nhiều nông sản.
Tỉnh Kon Tum với địa hình đồi núi, sông ngòi nhiều nên trên địa bàn có hàng trăm cây cầu treo bắc qua sông suối. Trước mùa mưa bão hàng năm, người dân đều nơm nớp lo sợ cầu dân sinh bị mưa lũ cuốn trôi, uy hiếp tính mạng. UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo ngành chức năng trích tiền ngân sách để tu bổ hàng loạt cây cầu xuống cấp trước mùa mưa bão đến gần.