Hết thời nhà vệ sinh kinh dị trong trường học
Năm ngoái, khi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về một số vấn đề nổi bật của ngành trong đó nổi bật vấn đề các công trình nhà vệ sinh đã xuống cấp nhiều (tỉ lệ nhà vệ sinh xuống cấp đối với cấp tiểu học là 43%, cấp THPT là 13%), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “không thể để kéo dài tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp trong nhiều thập kỷ qua” và “Không để tình trạng học sinh không dám uống nước và đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn. Còn Bộ Y tế cũng phải phát động các chiến dịch cụ thể sửa chữa nhà vệ sinh ở các cơ sở y tế và có kết quả cụ thể”.
Sau một năm, nhiều địa phương đã có những chuyển biến, bước đầu tạo được sự yên tâm cho phụ huynh học sinh đầu năm học.
Tại Hà Nội, trao đổi với Lao Động, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết: “Hà Nội rất tích cực triển khai cải tạo nhà vệ sinh trường học. Nhiều nhà vệ sinh được xây mới nhờ nguồn vốn xã hội hoá. Nhờ sự vào cuộc, phối hợp của các sở, ngành và sự nỗ lực thực hiện của các nhà trường, nhiều công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định ra đời”.
Theo kế hoạch đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và THCS của Sở GDĐT Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, thành phố sẽ thực hiện xóa hết 2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành; xây bổ sung 995 khu vệ sinh của các trường còn thiếu theo quy mô, tỉ lệ học sinh sử dụng; xây bổ sung nhà vệ sinh cho các nhà học kiên cố, bán kiên cố 2 đến 4 tầng không có nhà vệ sinh theo đúng quy mô của các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành; đảm bảo khu vệ sinh không ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng sức khoẻ y tế học đường của học sinh; đáp ứng cảnh quan sư phạm trường học.
Theo thống kê tình trạng nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định, đạt tỉ lệ 78%; 1.959/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh theo quy định, đạt tỉ lệ 90%; 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có khu rửa tay, đạt tỉ lệ 78%; 893/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có xà phòng rửa tay, đạt tỉ lệ 40%; 2.145/2.185 trường có công trình vệ sinh được phân công các hoạt động trực nhật, vệ sinh các công trình nhà vệ sinh, đạt tỉ lệ 98%.
Năm 2019, thành phố có kế hoạch triển khai xây mới 2.460 nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn thiết kế đạt chuẩn và trên chuẩn ở những trường còn thiếu khu vệ sinh; cải tạo 8.598 nhà vệ sinh cũ. Năm 2020, tiếp tục rà soát xây nhà vệ sinh, xây mới khu vệ sinh của giáo viên, học sinh mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập.
Tại TPHCM, theo ghi nhận của PV Lao Động, năm học 2019 - 2020, dự kiến toàn thành phố tăng khoảng 75.000 học sinh. Để đáp ứng chỗ học cho học sinh, thành phố đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng).
Trong quá trình xây dựng, sửa chữa phòng ốc thì việc cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh trường học là khâu rất được chú trọng. Trả lời Lao Động, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GDĐT quận 12 - cho biết, trên địa bàn quận không có nhà vệ sinh của một trường học nào kém chất lượng.
Cô Nguyễn Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, TPHCM - cho hay, việc sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh của trường luôn được lãnh đạo quận và Phòng Giáo dục quận Gò Vấp quan tâm hàng đầu.
Còn ở Đà Nẵng, việc kiểm tra 100% nhà vệ sinh trong toàn hệ thống trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch công tác đầu năm học của ngành GDĐT Đà Nẵng. Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng - cho biết, đoàn kiểm tra dự kiến sẽ kiểm tra 100% nhà vệ sinh tại tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trên địa bàn TP.Đà Nẵng để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ theo quy định. Trong nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nhà vệ sinh theo hướng hiện đại, đồng bộ, xóa nỗi ám ảnh của học sinh, phụ huynh về khu vực này.
Vẫn cần nhiều nỗ lực
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc đảm bảo các trường có nhà vệ sinh sạch sẽ cho học sinh vẫn là một thách thức. Trong đó chủ yếu là việc huy động các nguồn vốn.
Bà Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) - cho biết: “Trường xây dựng từ năm 2008 và được cải tạo năm 2015. Hiện nay, nhà trường có 1.500 học sinh và có 12 khu vệ sinh. So với tiêu chuẩn thì số nhà vệ sinh trên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em”.
Chiều 20.8, trao đổi với PV Báo Lao Động về việc tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo, đại diện Bộ GDĐT không cho biết cụ thể số liệu thống kê của bộ về việc hiện cả nước có bao nhiêu nhà vệ sinh trường học đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng năm 2018. Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT thừa nhận: “Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; tỉ lệ phòng học kiên cố thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,8%. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; số phòng học tạm còn nhiều; số nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn theo quy định còn cao, công trình nước sạch tại một số điểm trường còn thiếu”.
Giải pháp mà đại diện Bộ GDĐT đưa ra khẳng định: “Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất. Các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng bổ sung và kiên cố hóa các phòng học (từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ được giao đến nay là 5.370 tỉ đồng, đạt 99,71% vốn của cả giai đoạn 2017 - 2020”.
Bộ GDĐT đưa ra cam kết: “Đảm bảo giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định”.