Xin Bộ trưởng cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2020 và riêng năm 2020, ngành TNMT đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì và đã nỗ lực vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta đã phải đối mặt với thiên tai bất thường, vấn đề an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, suy giảm, suy thoái tài nguyên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt năm 2020, chúng ta chứng kiến thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền đất nước.
Toàn ngành đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, chủ động, sáng tạo”, đẩy mạnh giải quyết khiếu nại về đất đai; chuyển từ bị động, lúng túng giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường sang chủ động thúc đẩy phòng ngừa, xử lý môi trường; tăng cường giám sát, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần vào thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra, góp phần vào tăng trưởng bền vững của đất nước.
Những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp đã được tập trung giải quyết trên tinh thần kiến tạo, phục vụ và cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính với 80,1% thủ tục đơn giản hóa, 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh. Phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số đã đạt những bước tiến quan trọng. Với hệ thống quan trắc dự báo, các cơ sở dữ liệu nền tảng đang được tập trung xây dựng.
Trong năm 2020 nói riêng và trong cả nhiệm kỳ 2016-2020 nói chung, toàn ngành đã đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, giảm gánh nặng ngân sách.
Với những nỗ lực trên, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng như thế nào trong từng lĩnh vực, thưa bộ trưởng?
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng.
Trong lĩnh vực đất đai, đã chuyển dịch hơn 230.000ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp cho phát triển sản xuất, kinh doanh, hạ tầng... tạo ra hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội (KTXH), đóng góp gần 850.000 tỉ đồng vào ngân sách (năm 2020 cao gấp hơn 2 lần năm 2015).
Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban chỉ đạo quốc gia đã được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Vấn đề tài nguyên nước từng bước được quản lý sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ đa mục tiêu; tập trung triển khai khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước phục vụ dân sinh vùng hạn mặn, vùng cao, biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải pháp trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường gồm 16 Chương, 171 Điều với những điểm mới mang tính đột phá đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; quy định kiểm toán môi trường; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn...
Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược. Trong năm 2020, mặc dù phải ứng phó với nhiều thách thức, đặc biệt do đại dịch COVID-19 và nguồn lực hạn chế, chúng ta vẫn là một trong số ít quốc gia hoàn thành cập nhật NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) với cam kết tăng mức đóng góp về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong năm 2021 và nhiệm kỳ tiếp theo, bộ có những định hướng, vạch ra những nhiệm vụ như thế nào, thưa bộ trưởng?
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong năm 2021 và nhiệm kỳ tiếp theo, bộ đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, sẽ tập trung tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XI và thi hành Luật Đất đai, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho BCH Trung ương ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Đất đai năm 2013.
Hai là, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch TNMT vùng bờ, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông.
Ba là, thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kiện toàn tổ chức bộ máy. Thực hiện cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành.
Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát huy tiềm năng lớn về tài nguyên số từ dữ liệu không gian, đất đai, biển, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ngành TNMT trong năm 2021 sẽ tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số của ngành như thế nào, thưa bộ trưởng?
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong năm 2021, bộ sẽ tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành TNMT, chiến lược tổng thể tài nguyên số về TNMT. Đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; xây dựng các dữ liệu lớn (big data) như quan trắc TNMT, khí tượng thủy văn, viễn thám, tài nguyên nước, biển và đại dương; xây dựng, cập nhật có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.
Mục tiêu đến 2025 có 90% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc thu nhận dữ liệu sử dụng công nghệ số, trong đó 70% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ kết nối internet (IoT). Mở rộng, tăng dày mạng lưới trạm định vị vệ tinh (Cors) trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cung cấp dịch vụ định vị chính xác cho các hoạt động KTXH, quản lý lãnh thổ, triển khai các ứng dụng thông minh.
Thực hiện quản lý, chỉ đạo điều hành, tác nghiệp trên môi trường mạng dựa trên năng lực phân tích, xử lý dữ liệu lớn minh bạch, hiệu lực, thông minh và hiệu quả.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bộ trưởng!