Mọi khoản chi tiêu đều cắt giảm ở mức tối đa
Công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Khánh Linh (25 tuổi, làm việc tại Hà Nội) dự kiến sẽ dành 25 triệu đồng tiền thưởng Tết và tích lũy trong năm cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Trong khoản này, Khánh Linh dự tính sẽ dành 10 triệu đồng để mua điện thoại mới. Đây được xem là phần thưởng cho bản thân sau 1 năm làm việc vất vả. Với số tiền 15 triệu đồng còn lại, Khánh Linh dự định dành 5 triệu đồng biếu bố mẹ sắm Tết; 1 triệu đồng để mua quần áo mới; 2 triệu đồng mua quà Tết cho người thân, họ hàng; 4 triệu đồng cho việc lì xì, mua sắm, chi tiêu Tết. Số tiền còn lại là khoản sinh hoạt phí khi trở về với công việc tại Hà Nội sau dịp Tết Nguyên đán.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ, mọi khoản chi tiêu năm nay đều cắt giảm ở mức tối đa so với năm ngoái do tác động của dịch bệnh.
“Những năm trước, mình dành 4-5 triệu đồng cho việc mua sắm quần áo, tiền đi chụp ảnh Tết,... nhưng năm nay, mình không đi chụp ảnh tết mà chỉ dành 1 triệu đồng mua quần áo mới.
Hằng năm, mình đều dành nhiều thời gian chọn đào, quất, các món đồ trang trí,… thì năm nay mình dự định sẽ sử dụng lại những món đồ cũ. Cành đào, cây quất sẽ nhỏ hơn năm ngoái để tiết kiệm thêm 1 khoản chi phí” - Khánh Linh chia sẻ.
Dù đã cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu, Khánh Linh dự tính những ngày giáp Tết sẽ kinh doanh thêm để tăng thu nhập, đề phòng 25 triệu đồng không đủ chi tiêu cho Tết Nguyên đán.
Đi làm cả năm chỉ để tiêu cho ngày Tết
Thu nhập không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thậm chí còn tăng so với năm trước nên Duy Đồng (28 tuổi, Thanh Hóa) dự định sẽ sử dụng toàn bộ số tiền thưởng Tết và trích một phần tiết kiệm dành cho những ngày Tết bên gia đình.
Chàng trai công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, cả năm đi làm đã chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm đủ điều, chỉ mong Tết về sắm sửa cho bố mẹ nhiều đồ mới, lì xì lấy may cho em út trong nhà, còn bản thân "thế nào cũng được".
"Dịp Tết này mình sẽ mua máy lọc nước, bình nước nóng cho bố mẹ. Dự tính hết khoảng 15 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ đưa mẹ đi sắm Tết, đưa bố đi mua đào quất trang trí, đồng thời biếu ông bà và lì xì lấy may cho các em, các cháu" - Duy Đồng nói và khẳng định, Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, bồi đắp tình cảm gia đình, người thân nên không quá coi trọng việc sắm sửa đồ mới cho bản thân.
"Tết về mình sẽ dành thời gian ở bên gia đình, hạn chế đi chơi nên không quá quan trọng về quần áo, giày dép mới. Toàn bộ số tiền mình có sẽ dành cho gia đình vì cả năm chỉ có một cái Tết" - Duy Đồng chia sẻ.
"Mang tiền về cho mẹ"
Đi làm xa quê nên Uông Dương Trà My (23 tuổi, Nghệ An) luôn quan niệm, Tết là dịp trở về quê nhà, sum vầy cùng gia đình. Vì vậy, phần lớn số tiền thưởng Tết năm nay, Trà My sẽ gửi về cho gia đình.
Công tác trong lĩnh vực dịch vụ nên so với năm ngoái, số tiền thưởng Tết năm nay giảm phân nửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trà My dự tính, Tết về quê sẽ có trong tay khoảng 10 triệu đồng.
“3 triệu đồng mình sẽ dành dụm để trở về Hải Phòng tiếp tục công việc sau Tết. Tiền mua quần áo và một vài món đồ dùng cá nhân khoảng 1 triệu đồng. Số còn lại, mình sẽ biếu mẹ để sắm sửa, chi tiêu cho dịp Tết. Năm nay dịch bệnh, mình xác định không đi chơi ở đâu, dành toàn bộ thời gian bên gia đình nên cũng không chi tiêu quá nhiều” - Trà My chia sẻ.
Trà My cũng cho biết, do dịch bệnh nên thu nhập giảm sút đáng kể. Để đủ tiền chi tiêu và có một phần gửi về phụ giúp gia đình, Trà My đã phải tính toán, chi li từng khoản.
“Do tính chất công việc nên mình không có nhiều thời gian nấu ăn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thu nhập giảm, mình buộc phải cân đối công việc, nấu nướng để giảm chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, mình tải ứng dụng theo dõi để đo lường các khoản chi tiêu mỗi tháng, đồng thời đặt định mức chi tiêu mỗi ngày cho bản thân. Tất nhiên, sẽ có những tháng phát sinh các khoản ngoài dự trù nhưng tổng thể, mình đã chi tiêu tiết kiệm để có tiền về quê ăn Tết” – Trà My chia sẻ.