Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện để Cần Thơ trở thành trung tâm động lực vùng

Trường Nhân |

Ngày 11.1.2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ. Nghị quyết này không chỉ giúp TP Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững mà còn được kỳ vọng sẽ là động lực cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL.

17 năm kỳ vọng và thách thức

Ngày 23.5.2020, tại Hội thảo “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế trung ương và Thành ủy Cần Thơ phối hợp tổ chức, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho rằng Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17.2.2005 của Bộ Chính trị đã mở đường cho TP.Cần Thơ thực hiện “một sứ mệnh mới” để trở thành trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Không lâu sau đó, ngày 5.8.2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng, phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển TP Cần Thơ trở thành “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…”. Bên cạnh đó, nhiều văn bản của Trung ương cũng đã xác định vai trò, vị trí trung tâm vùng ÐBSCL của thành phố này.

TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, là giao điểm của 2 trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL là trục hành lang TPHCM - Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh cho toàn khu vực. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng làm gì để “Tây Ðô” trở thành thành phố đồng bằng, cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng kỳ vọng của người đồng bằng và cả nước, đang là thách thức lớn mà thành phố trung tâm vùng ÐBSCL này phải vượt qua trong thời gian tới mà các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ được Quốc hội thông qua đang được kỳ vọng là nguồn lực mới.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - nhà nghiên cứu kinh tế ĐBSCL - nhận định: Một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ không phải hoàn toàn mới, đã có cơ sở thực tiễn được áp dụng tại một số địa phương khác. Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2011-2020, TP Cần Thơ gặp phải các “điểm nghẽn” về thủ tục và thẩm quyền. Dư địa để thực hiện chuyển đổi còn nhiều nếu được Quốc hội chấp thuận cho thực hiện theo phân cấp. Ðịnh hướng chính sách dài hạn cho Cần Thơ được xác định là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung tâm vùng và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế.

Sẽ thành trung tâm động lực vùng

Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 45 được Quốc hội thông qua, Thành phố đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện một cách cụ thể nhất để đảm bảo phát huy tối đa lợi ích của các cơ chế, chính sách đặc thù này để đẩy mạnh phát triển TP.Cần Thơ.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các cơ chế, chính sách này là giải pháp tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh, thích ứng kịp thời với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đặc thù này còn giúp tạo nguồn lực cho TP.Cần Thơ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản cho vùng ĐBSCL.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản cho vùng ĐBSCL.

Thông tin rõ hơn về các dự án trọng điểm của thành phố sau khi có cơ chế đặc thù, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố đang triển khai 3 kế hoạch lớn gồm: Khu năng lượng điện Ô Môn, quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và khu kinh tế hàng không. Trong đó, khu năng lượng điện Ô Môn dự kiến có 5 nhà máy thu hút đầu tư hơn 6 triệu USD, trong đó Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 đã hình thành và đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2 đã có chủ trương đầu tư, hiện đang làm thủ tục xây dựng; 3 nhà máy còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục xin chủ trương. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai đầu tư hệ thống đường dẫn khí từ Bà Rịa – Vũng Tàu qua Kiên Giang về trạm Ô Môn. “Nguồn thu ngân sách sẽ tăng rất lớn với đường khí này. Đây là một trong những dự án rất quan trọng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước, mà trước mắt là cho TP Cần Thơ. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan thật tập trung, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai”, ông Hiển thông tin thêm.

Theo UBND TP Cần Thơ, với “đòn bẩy” từ cơ chế đặc thù, thành phố đã có kế hoạch quy hoạch khoảng 900ha tại huyện Vĩnh Thạnh làm khu công nghiệp. Trong đó, dự kiến giao gần 300ha để hình thành giai đoạn 1 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Cần Thơ. Hiện tại, đơn vị đầu tư đang khẩn trương xin Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư, thành phố cũng đang tập trung làm quy hoạch. Với quy hoạch khu kinh tế hàng không, trước mắt thành phố triển khai xây dựng Trung tâm Liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Quốc hội. Đây là 1 trong những điều kiện thúc đẩy phát triển KTXH không chỉ TP Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù ngày 16.4.2022, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: “Nghị quyết 45 được triển khai thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với sự phát triển của TP Cần Thơ nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung, mở ra cơ hội, tạo điều kiện, cơ chế chính sách, nguồn lực để Cần Thơ phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và các thế hệ lãnh đạo đã dầy công vun đắp, xây dựng TP Cần Thơ như hôm nay...”.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Cần Thơ mà còn là động lực phát triển đối với cả vùng ĐBSCL. Tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù, TP Cần Thơ sẽ tạo thêm các động lực mới, các bước đột phá thực sự để phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.

Trường Nhân
TIN LIÊN QUAN

Doanh nhân Việt Nam: Tâm - Tài - Trí - Dũng

Thùy Linh |

Tròn 20 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Vào can bạn đánh nhau, nữ sinh lớp 11 bị đánh gãy đốt sống cổ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Thấy nhóm bạn đánh nhau, nữ sinh lớp 11 vào can thì bị cả nhóm đánh đập dã man, khiến nạn nhân bị gãy đốt sống cổ.

Từ cậu học sinh cổ vũ thành Quán quân Olympia

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Năm 2023, Võ Quang Phú Đức là thành viên đội cổ động viên ở đầu cầu Huế, năm nay, Phú Đức đã thành Quán quân Olympia.

Bổ nhiệm 3 Đại tá làm Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh

Quang Việt |

Trong tuần, công an các tỉnh Quảng Bình, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc ghi nhận việc bổ nhiệm chức vụ một Giám đốc và hai Phó Giám đốc.

Cận cảnh cống âu hơn 500 tỉ đồng sắp về đích ở Tiền Giang

Thành Nhân |

Tiền Giang - Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành đạt khối lượng thi công hơn 99%, dự kiến công trình này sẽ bàn giao cuối tháng 10.2024.

3 nữ doanh nhân Việt lọt top những người phụ nữ quyền lực

Thạch Lam |

Tạp chí Fortune của Mỹ công bố danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024", trong đó có ba nữ doanh nhân Việt Nam lọt top.

Dân thiếu nước sạch, công trình cấp nước xây xong bỏ hoang

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Hàng trăm hộ dân sử dụng nước không đảm bảo sức khỏe, trong khi đó công trình cấp nước hàng chục tỉ đồng xây dang dở rồi bị bỏ hoang.

34 hộ dân chưa giao mặt bằng để mở rộng đường Nguyễn Tuân

NGỌC THÙY |

Theo UBND quận Thanh Xuân, đến nay còn 34 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để mở rộng đường Nguyễn Tuân.