Ngày 29.3, UBND huyện Chư Păh cho biết, liên quan đến vụ việc “cò đất” bức hại người dân xã Chư Đang Ya, huyện đã có báo cáo gửi lên ngành chức năng kiến nghị các giải pháp nhằm ổn định tình hình trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.
Theo đó, hiện “cò đất” thông tin giá đất, đặc biệt là khu vực xã Chư Đang Ya, nơi có thắng cảnh núi lửa nổi tiếng, cao hơn nhiều lần so với thực tế. Thông tin ảo nhằm phục vụ việc mua bán đất, trục lợi cá nhân.
Để người dân hiểu và tránh bị các đối tượng lừa đảo, UBND huyện Chư Păh đã chỉ đạo UBND xã Chư Đang Ya xác minh chặt chẽ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, giải thích rõ ràng nội dung hợp đồng cho người dân hiểu, khi đến thực hiện các giao dịch về đất đai. Việc này nhằm để đảm bảo quyền của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính quyền xã tăng cường vận động nhân dân giữ đất để sản xuất, canh tác, nâng cao cảnh giác không để mắc lừa “cò đất”, môi giới bất động sản. Huyện Chư Păh cũng kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai chỉ đạo các phòng công chứng trên địa bàn nâng cao trách nhiệm khi thực hiện công chứng mua bán đất đai cho các hộ dân miền núi.
Cụ thể, khi lập hợp đồng mua bán cần đọc to, rõ ràng, giải thích để các hộ dân hiểu nội dung của hợp đồng, tránh việc các đối tượng lợi dụng việc người dân không biết chữ để thực hiện các thủ tục mua bán đất đai trái quy định.
Liên quan đến sự việc đối tượng Vũ Thị Hằng (SN 1980, trú làng Xóa, xã Chư Đang Ya làm giả sổ đỏ, cầm cố, vay mượn nhiều sổ đỏ của các hộ dân khiến họ bị mất đất đai, cơ quan Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số, “cò đất”, môi giới bất động sản đã dùng thủ đoạn để lừa lấy sổ đỏ của người dân, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay. Có nạn nhân đã tìm đến lá ngón với ý định tự vẫn vì bị lừa mất nhà, mất đất…
Hơn một năm qua, “sốt đất” làm homestay, farmstay “view” núi lửa Chư Đang Ya đã khiến vùng quê yên bình dậy sóng. Môi giới bất động sản đổ xô về Chư Đang Ya tranh mua, tranh bán ì xèo, mà đối tượng chúng nhắm tới không ai khác ngoài mảnh đất mưu sinh của người miền núi vốn hiền lành.
Từ khi có thông tin loan truyền việc tỉnh Gia Lai thực hiện dự án tỉ đô để đầu tư, thu hút du lịch thì ngay lập tức diễn ra cơn sốt “đất ảo”. Giá đất ruộng lúa, đất nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu của nông dân quanh vùng núi lửa được thổi giá chóng mặt.