Vì sao có chuyện chỗ được đền bù - chỗ không?
Như báo Lao Động đã thông tin từ số báo trước, ông Nguyễn Văn Tổng đại diện cho 15 người trong tổ hưu trí đã khiếu nại về việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không bồi thường mảnh đất rộng trên 50.000m2 dù đã có chỉ đạo từ Chính phủ.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và trong quá trình kiểm tra phát hiện thêm những sự thật “động trời”.
Báo cáo số 1737/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 11.7.2016 gửi Thủ tướng Chính phủ đã nêu ý kiến: “Qua ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Thanh tra Chính phủ thấy rằng: Có cùng quá trình quản lý, sử dụng như 15 cá nhân do ông Tổng làm đại diện còn có 28 hộ dân khác lấn chiếm được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận và bồi thường. Đặc biệt ý kiến của Bộ TNMT và Bộ Tư pháp trước đây đều thống nhất ông Tổng và các cá nhân khác đủ điều kiện để bồi thường về đất.
Tuy nhiên về phía địa phương thì lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy khá gay gắt về việc bác đơn khiếu nại đòi bồi thường của ông Tổng. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra lại việc đền bù, sử dụng đất của 28 người dân nói trên. Nếu đúng pháp luật thì cũng phải công nhận và đền bù cho ông Tổng và 15 cá nhân như 28 người nói trên. Ngược lại, nếu quá trình đền bù không đúng thì bác đơn và xử lý các vi phạm theo pháp luật”.
Ý kiến này của Thanh tra chính phủ được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý tại văn bản số 6169/VPCP-V.I ngày 25.7.2016.
Về việc bồi thường cho 28 người được bồi thường tổng cộng 140.796.513.179 đồng, trong đó khoản bồi thường nhiều nhất là bồi thường đất nông nghiệp lên tới trên 130 tỉ. Qua kiểm tra Bộ TNMT nhận định cả 28 hộ trên đủ điều kiện được bồi thường theo Luật Đất đai.
Như vậy theo nhận định của Bộ TNMT, 15 hộ dân do ông Tổng làm đại diện cũng phải được nhận đền bù như 28 cá nhân kia.
Tại công văn số 6154/BTNMT-TTr do Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển ký ngày 28.12.2016, Bộ TNMT kiến nghị lên Thủ tướng: “Chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập phương án bồi thường diện tích 54.294,5m2 đất nông nghiệp cho ông Tổng và 14 cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Ngày 13.2.2017, một lần nữa Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với kiến nghị của Bộ TNMT và “UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện lập phương án đền bù, giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại của ông Tổng và 14 hộ dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu”.
Vì sao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn “trây ỳ”
Mặc dù Phó Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn khăng khăng nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng của 28 hộ và 15 hộ dân là hoàn toàn khác nhau và việc bồi thường “như nhau” là không có cơ sở.
Đáng nói là trong công văn 7043/UBND-VP mà UBND tỉnh gửi Thường trực tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 11.10.2013 do ông Chủ tịch Trần Minh Sanh ký đã nêu quan điểm: “Không đền bù giá trị quyền sử dụng đất trên diện tích 54.294,5m2 cho ông Tổng và 14 hộ dân mà chỉ hỗ trợ bằng 01 lần giá đất tại Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 19.12.2012 với tổng số tiền hộ trợ là 8.578.531.000 đồng. Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, đại diện các hộ dân kia khẳng định chưa bao giờ biết về khoản tiền gần 8,6 tỉ đồng kia.
Tại sao luôn khẳng định về việc 15 hộ dân không được đền bù nhưng UBND tỉnh lại nêu quan điểm đền 8,6 tỉ đồng “hỗ trợ”?
Ngày 29.3.2017, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng thống nhất: Đây là vụ việc phức tạp, nhạy cảm nếu không giải quyết đúng sẽ kéo theo những vấn đề khác trên địa bàn. Bên cạnh đó Bộ TNMT và Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất “giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ có hay không việc cán bộ, công chức lợi dụng quyền hạn, chức vụ trục lợi tài sản của Nhà nước, nếu có vi phạm thì xử lý theo pháp luật.
Mặc dù phía Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị tạm thời chưa thực hiện kiến nghị của Bộ TNMT được Chính phủ đồng ý tại văn bản ngày 13.2 nhưng một lần nữa Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo “giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm rõ có hay không việc cán bộ, công chức lợi dụng quyền hạn, chức vụ trục lợi tài sản của Nhà nước, nếu có vi phạm thì xử lý theo pháp luật” và “tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1197/VPCP-V.I ngày 13.2.2017 của Văn phòng Chính phủ; giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tổng cùng 15 hộ dân và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.2017”.
Cho tới thời điểm giữa tháng 10, các hộ dân đều khẳng định chưa có bất kỳ động thái mới nào của UBND tỉnh về việc bồi thường.
Một vụ việc kéo dài trên 10 năm, tốn rất nhiều công sức của người dân tạo ra dư luận không tốt tại địa phương. Hơn nữa vụ việc này cho thấy chính quyền địa phương đã liên tiếp không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ - đi ngược với tinh thần Chính phủ kiến tạo - Chính phủ phục vụ.
Điều đáng nói là phần đất mà 15 người dân đang khiếu kiện đã được UBND tỉnh cấp giấy đầu tư cho một doanh nghiệp nước ngoài. Đó là Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment (100% vốn đầu tư của Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư.
Theo thông tin từ báo Đầu Tư, do ngân sách hạn hẹp, nên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động nhà đầu tư nước ngoài ứng trước tiền thuê đất để tạo nguồn kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng. Đáp ứng đề nghị này, trong hai năm 2007 và 2008, chủ đầu tư đã ứng trước 98 tỉ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ tỉnh chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng đến tháng 11.2012, tỉnh mới bàn giao được 87ha đất (trong tổng số 297,3ha) cho Dự án. Trong 87ha đó, vẫn “vướng” 5,4ha của 15 hộ dân còn tranh chấp.
Rõ ràng phía sau vụ việc này còn nhiều khuất tất và chỉ đạo của Chính phủ là “làm rõ có hay không việc cán bộ, công chức lợi dụng quyền hạn, chức vụ trục lợi tài sản của Nhà nước” rất xác đáng.
Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.