Mộc Châu hướng tới khu du lịch trọng điểm quốc gia
"Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới" - là những vinh dự, phần thưởng danh giá mà huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có được vào năm 2022 vừa qua.
Từ dấu mốc quan trọng trên, huyện Mộc Châu đang quảng bá, khai thác, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa, du lịch, quyết tâm đưa vùng đất cao nguyên xinh đẹp này vươn lên tầm cao mới.
Khu du lịch Mộc Châu Island, với điểm nhấn là cầu kính Bạch Long được tổ chức Guinness thế giới công nhận là cầu đi bộ bằng đáy kính dài nhất thế giới mới chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm nay đã thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế đến với cao nguyên Mộc Châu.
Để tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, huyện Mộc Châu đã tập trung rà soát, xây dựng và đề xuất danh mục các công trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông trục chính vào Khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang; quốc lộ 43 đi tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông trường Mộc Châu...
Trong năm 2023 này, huyện Mộc Châu đang tập trung triển khai hơn 70 dự án chuyển tiếp và 40 dự án khởi công mới. Mục tiêu của Mộc Châu là đến năm 2025 trở thành thị xã; đến năm 2040 hướng tới là đô thị xanh và là một trong những đô thị trọng điểm về du lịch của quốc gia.
Chỉ còn một nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng
Ngày 25.6, theo báo cáo của các địa phương, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện khu vực Tây Bắc Bộ tăng nhanh. Theo đó, mực nước tại các hồ chứa thủy điện đã cao hơn mực nước chết 10-20 m.
Cụ thể, lưu lượng nước về Hồ Lai Châu là 782 m3/s; Hồ Sơn La đạt mức 2.220 m3/s; Hồ Hòa Bình là 769 m3/s; Hồ Thác Bà 341 m3/s; Hồ Tuyên Quang 901 m3/s; Hồ Bản Chát 805 m3/s.
"Các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo, một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ", cơ quan chức năng cho biết.
Hiện tại, ở khu vực Tây Bắc chỉ còn nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái) phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp.
Trước đó, thời điểm ngày 20/6 vẫn còn 4 nhà máy thủy điện ở miền Bắc phát điện cầm chừng là Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà.
Khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh tại cặp cửa khẩu Tà Lùng-Thủy Khẩu
Ngày 25.6, sau hơn 3 năm tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, cặp Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng, Việt Nam)-Thủy Khẩu (Quảng Tây, Trung Quốc) chính thức được khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước làm thủ tục qua lại biên giới.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh.
Các thủ tục xuất, nhập cảnh được thực hiện đảm bảo nhanh chóng, thông thoáng, đúng trình tự, thủ tục quy định; việc kiểm dịch y tế được giám sát chặt chẽ, nhất là đối với công dân nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam.