Tính đến ngày 10.3, Hà Nội chỉ còn 8/31 trung tâm đăng kiểm mở cửa với 13/61 dây chuyền. Trong đó 6 trung tâm từng bị khám xét, khởi tố đăng kiểm viên và được mở lại sau khi bổ sung nhân sự.
TPHCM có 10/19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động với 22/48 dây chuyền.
Trong bối cảnh lượng xe đến hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội là 68.690 thì khả năng các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu.
Tương tự tại TPHCM, với số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 dự kiến 44.350 thì khả năng đáp ứng chỉ 49% nhu cầu.
Theo đánh giá của Cục Đăng kiểm, số trung tâm được mở lại vẫn rất ít và chưa thể giúp Hà Nội và TPHCM giải quyết được tình trạng xe quá hạn không được đăng kiểm trong thời gian tới.
Trao đổi với Lao Động, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, hiện nay công tác kiểm định bị quá tải dẫn đến tình trạng có rất nhiều xe quá hạn kiểm định. Với đà này, việc quá tải sẽ còn tăng lên trong những tháng tới.
Về giải pháp chống ùn tắc đăng kiểm, theo ông Tạo, Cục Đăng kiểm phải làm tốt công tác điều phối, tăng cường đăng kiểm viên, động viên, tạo điều kiện để những đăng kiểm viên đang được tại ngoại tham gia vào công tác kiểm định. Từ đó có lực lượng hỗ trợ cho các dây chuyền đăng kiểm được hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên nghiên cứu để điều chỉnh lại về chu kỳ đăng kiểm cho hợp lý.
Với chu kỳ hiện nay, những xe cũ 6 tháng phải đăng kiểm 1 lần thì có thể xem xét nâng thời gian lên 9 tháng. Những phương tiện 1 năm kiểm định 1 lần có thể nâng thời gian lên 1 năm 3 tháng, 1 năm 6 tháng,...
"Việc quy định thời gian đăng kiểm như hiện nay cũng hợp lý bởi trước đây các phương tiện cũ rất nhiều, do đó phải co ngắn chu kỳ đăng kiểm lại để đảm bảo tính an toàn cho phương tiện", ông Tạo nói.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, trong thời gian vừa qua, các phương tiện mới trở nên nhiều hơn, chất lượng mặt bằng chung của các phương tiện đều tốt lên.
Như vậy, chu kỳ kiểm định của Việt Nam có thể tiếp cận với thời hạn đăng kiểm giống nhiều nước trên thế giới.
"Công tác kiểm định chỉ là đánh giá chung về mức độ an toàn của phương tiện ở thời điểm đó để cảnh báo về những nguy cơ.
Thực tế trong quá trình sử dụng, lái xe và chủ phương tiện đều quan tâm điều kiện an toàn của xe", ông Tạo nói và cho rằng, phương án gia hạn thời gian đăng kiểm cần sớm được nghiên cứu, bởi phương tiện hiện đang xếp hàng rất dài, gây phiền hà cho người dân.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, Cục Đăng kiểm cần phải nghiên cứu lại thời hạn đăng kiểm, có danh sách đề nghị loại xe nào cần phải tăng thời gian đăng kiểm lên, loại xe nào bỏ đăng kiểm lần đầu,...
"Mình nên học tập đăng kiểm của các nước tiên tiến. Với một thành phố có 3-5 triệu phương tiện thì họ sẽ đăng kiểm như thế nào, chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi cách làm và áp dụng vào điều kiện ở Việt Nam cho hợp lý", ông Thủy nói.
Điều này, Cục Đăng kiểm cần nghiên cứu kỹ, đề xuất với Bộ GTVT có thông tư thống nhất để tăng thời gian đăng kiểm lên.
Đó là giải pháp cần thiết vào thời điểm hiện tại và phải làm hết sức thận trọng, có kiểm tra kỹ, có giám sát. Những sai phạm thuộc về đăng kiểm và thuộc về khách hàng phải kiểm tra và xử lý chặt chẽ hơn nữa.
Liên quan đến những sai phạm trong công tác đăng kiểm, theo ông Thủy, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về những yếu kém của Cục Đăng kiểm trong thời gian qua, Bộ GTVT không thể đứng ngoài cuộc.
"Bộ GTVT đã buông lỏng, không sát sao, không thường xuyên giám sát cho nên Cục Đăng kiểm tự tung, tự tác trong việc đăng kiểm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua ở các trung tâm đăng kiểm trên cả nước", ông Thủy nói.