Khan hiếm nguồn cát cho cao tốc
Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc trong khu vực ĐBSCL sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024.
Cụ thể, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các Dự án đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL khởi công giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 47,81 triệu m3. Trong đó, 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Theo số liệu thống kê từ Cục khoáng sản Việt Nam, trong khu vực ĐBSCL, đến nay đã cấp 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3).
Tuy nhiên, hiện nay trữ lượng cát san lấp còn lại chỉ khoảng 37 triệu m3, trong đó một số giấy phép đã hết hạn, một số giấy phép không được gia hạn, đồng thời nhiều mỏ có chất lượng không đáp ứng yêu cầu đắp nền đường (các mỏ đáp ứng chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long).
Theo hồ sơ khảo sát vật liệu của dự án, khoảng 24 mỏ đang khai thác có chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhưng nếu chỉ tăng công suất khai thác các mỏ này thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11.02.2022 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) cho Dự án thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu (khoảng 11,1 triệu m3 năm 2023 và 7,4 triệu m3 năm 2024).
Theo báo cáo của Tư vấn và các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch khoảng 215,58 triệu m3 (tỉnh An Giang khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ; Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3/10 mỏ; Vĩnh Long khoảng 42,3 triệu m3/10 mỏ; Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3 cát).
Tuy nhiên, đối với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng thuộc khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn.
Đề xuất nâng 50% công suất khai thác cát
Với tình hình trên, việc các tỉnh có nguồn cát đảm bảo chất lượng thực hiện rà soát để mở mới đồng thời với việc nâng công suất các mỏ đang khai thác cấp cho dự án là hết sức cần thiết.
Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác.
UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án (tỉnh An Giang bố trí 7,0 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7,0 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long bố trí 5,0 triệu m3) theo đề nghị của Bộ GTVT.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương trong khu vực ĐBSCL để xác định trữ lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán lại toàn bộ khối lượng cát cần sử dụng và phân bổ khai thác.
Bộ Giao thông vận tải cần lập biểu đồ cho 4 tuyến cao tốc cụ thể ở từng khoảng thời gian và nhu cầu đã được dự tính. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương có mỏ cát đang hoạt động chủ động tăng 50%, còn các mỏ đá, đất có thể tăng 200%; Trên cơ sở điều tra, khảo sát, cùng các địa phương thống nhất hợp đồng các nhà thầu với các chủ mỏ, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng đội giá.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có đánh giá toàn bộ các mỏ hiện có, mỏ cát mới và phân bổ hợp lý; Khẩn trương, xem xét cấp phép trở lại đối với các mỏ đang tạm thời đóng cửa, còn ở các mỏ cát khai thác mới phải có khảo sát, đánh giá, giám sát môi trường.
Trong khai thác cát, đất cần chú trọng đến các mặt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn bờ sông, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và sinh kế người dân.