Theo đó, danh mục dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô bao gồm:
Đầu tư dự án trọng điểm của Thủ đô bao gồm: xây dựng đô thị vệ tinh, dự án giao thông đường sắt đô thị, dự án giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, dự án khu công nghệ cao; xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông;
Dự án công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh;
Dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
Thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề, lĩnh vực thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều này;
Chứng minh được năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có quy mô vốn tương đương với quy mô dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược;
Có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về việc nội địa hóa, cam kết về thực hiện dự án đầu tư đúng mục tiêu theo Danh mục dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.