Đông Nam Á - khu vực chịu nhiều thiên tai
Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), các thảm họa thiên nhiên đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm lên tới 86,5 tỉ USD.
Theo thống kê từ năm 2012 đến 2020, ít nhất 2.916 thảm họa, thiên tai đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha (2012) ở Philippines; bão Haiyan (2013) ở Philippines; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi (2018) ở Indonesia, bão Mangkhut (2018) ở Philippines và bão Damrey (2017) ở Việt Nam…
Là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, đi cùng với đó là sự suy thoái môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu, Đông Nam Á ngày càng dễ bị tổn thương trước những đợt thiên tai vốn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất.
Trong bối cảnh như vậy, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong quản lý thiên tai đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong sự hợp tác, cam kết đa ngành - đa lĩnh vực trong khu vực, cũng như với các đối tác ngoài khu vực.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 13.6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, chỉ trong nửa đầu năm nay, chúng ta đã chứng kiến thiên tai gia tăng ở nhiều nơi trong ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia buồn những mất mát đau thương mà người dân Myanmar phải gánh chịu do cơn bão Mocha gây ra trong những ngày vừa qua. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, các quốc gia thành viên ASEAN phải cùng nhau hành động để tăng cường hơn nữa các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai với người dân và với cộng đồng.
Mở rộng mô hình trung tâm điều phối
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam đã đề xuất mở rộng mô hình Trung tâm Điều phối hỗ trợ về nhân đạo thiên tai tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
ASEAN là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới nhưng cũng dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất.
"Sau khi Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) được ký kết năm 2005, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) được thành lập vào năm 2011 với mục đích tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN trong phối hợp ứng phó với thiên tai trong khu vực, đồng thời phù hợp với tuyên bố “Một ASEAN, một ứng phó” của khu vực" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.
Hiện Trung tâm AHA của ASEAN đang đặt tại Philippines, đây là mô hình có sự hỗ trợ, tài trợ từ các đơn vị, tổ chức quốc tế. Từ hoạt động của mô hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng mô hình tương tự tại khu vực miền Trung của Việt Nam. Trung tâm này sẽ có kho dự trữ, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phù hợp.
Dự báo hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất cao khoảng 70-80% và sẽ kéo dài, diễn biến phức tạp giống thời điểm 2015-2016, trong đó có hạn hán, cháy rừng và xâm nhập mặn bất thường. Trong đó, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia chịu ảnh hưởng lớn. Vì thế, vai trò của Trung tâm AHA là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh này.