Dân số vàng Việt Nam - “chỉ vàng về số lượng”
Theo kết quả tổng điều tra dân số, tỉ lệ nam giới chiếm 49,8% (47.881.061 người); nữ giới chiếm tỉ lệ 50,2% (48.327.923) người. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tính từ năm 2009 đến nay, sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước với mức 1,18%/năm. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở cũng ghi nhận, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học giảm từ 16,4% (năm 2009) xuống 8,3% (năm 2019); tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học hiện không đi học ở khu vực nông thôn cao gấp 1,7 lần so với thành thị. Điều đáng lưu ý là, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học hiện không đi học cao nhất cả nước, với tỉ lệ trẻ em không đi học là 13,3% mỗi vùng.
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số cả nước đạt 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có mật độ dân số cao trong cả nước, cao gấp trên 10 lần so với mật độ chung cả nước: Hà Nội 2.398 người/km2; TPHCM 4.363 người/km2. Như vậy, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam, tại hội nghị báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019, PSG-TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: “Nói rằng Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng chỉ vàng về số lượng mà không phải vàng về chất lượng, bởi có đến 80% lực lượng lao động không qua đào tạo, chủ yếu sử dụng cơ bắp”. PGS-TS Lê Xuân Bá cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, cần mạnh dạn đổi mới, cải cách giáo dục đào tạo. “Vấn đề là chúng ta có dám mạnh dạn nhìn nhận những vấn đề yếu kém để đổi mới giáo dục hay không. Nếu vẫn giữ nguyên thực trạng giáo dục như hiện nay, thì chất lượng lao động Việt Nam sẽ mãi yếu kém và năng suất lao động Việt Nam vẫn thấp, nguy cơ bị tụt xa các nước trong khu vực” - PGS-TS Lê Xuân Bá nói.
Cứ 10.000 hộ dân có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở
Đánh giá về nhà ở, kết quả điều tra cũng cho thấy, cả nước có 26,87 triệu hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với 10 năm trước. Tỉ lệ tăng số hộ bình quân năm là 1,8%/năm trong giai đoạn 2009 - 2019, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009. Đây là giai đoạn có tỉ lệ tăng quy mô hộ thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Điều đáng nói là vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Tức là, nếu tính trung bình, thì cứ 10.000 hộ dân có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tình trạng hộ gia đình không có nhà ở đang dần được cải thiện. Hiện tại, có 93,1% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng là 24,9m2/người và 22,7m2/người. Tuy nhiên, vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Đặc biệt, có khoảng 1,4 triệu hộ với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ là đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở thời gian tới.