Công lao to lớn
Ở trong các thôn, buôn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, những già làng, người có uy tín vẫn giữ vai trò rất quan trọng, là người đại diện của cả cộng đồng, tham gia vào các công việc cộng đồng. Dù kinh tế, xã hội có phát triển, đời sống được nâng cao thì già làng vẫn là cánh chim đầu đàn, là biểu tượng văn hóa, điểm tựa của những buôn làng dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Y Brí Niê - già làng Buôn Sứt M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar - nói: "Hơn 30 năm qua, tôi phải kết hợp với đội công tác của xã để đến từng nhà vận động bà con, thuyết phục họ lắng nghe chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương để không bị dụ dỗ nghe theo lời những đối tượng kích động, xuyên tạc.
Giờ đây buôn làng bình yên, phát triển, tôi rất vui. Hy vọng những già làng sau này thay tôi vẫn giữ được truyền thống của những người đi trước, giúp bà con ổn định sinh sống, xoá đói giảm nghèo".
Nếu nói về công lao của những già làng trong việc góp phần ổn định an ninh trật tự, phải kể đến khu vực buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Tại đây, có già làng Ma An người dân tộc Lào - Ma An.
Năm 2002, Tây Nguyên thành một điểm nóng chính trị với sự phát triển của một tổ chức phản động, ông Ma An trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân cả buôn. Suốt một thời gian dài, bước chân của Ma An không mỏi, đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con trong vùng.
Ông Ma An tâm sự: “Người dân trong vùng không nên nghe theo những lời kích động xúi giục của những đối tượng lạ mặt từ nơi khác đến. Năm 2002, cả buôn đều vững tâm theo Đảng, không ai tham gia hay tiếp tay cho tổ chức phản động. Một thời gian sau, buôn Trí A luôn là buôn đi đầu xã về sự ổn định chính trị, an ninh, về phát triển kinh tế.
Tôi hiểu hơn ai hết muốn phát triển, buôn phải ổn định, phải duy trì được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư như truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên”.
Ông Đặng Văn Hà - Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - cho rằng: Ông Ma An là người có uy tín tại buôn trong vấn đề vận động nhân dân vận động con cháu thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Ông thường xuyên động viên con cháu, đặc biệt là các tổ tự quản đường biên thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh biên giới.
Phát huy hơn nữa vai trò của những già làng
Đại tá Phạm Hữu Chiến - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - thông tin, các già làng, người có uy tín là cánh tay nối dài đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con biên giới. Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để đảm bảo tốt tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Một lãnh đạo Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho hay: "Già làng như là những thủ lĩnh tích cực, họ là cầu nối giúp tuyên truyền, cùng với các trưởng thôn, người có uy tín đưa chính sách đến gần với bà con, là người tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động bà con làm theo. Trong việc đảm bảo an ninh chính trị, họ cũng những người tiêu biểu.
Chính sự am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, những giá trị văn hoá truyền thống, uy tín cùng sự tâm huyết đã giúp già làng mang chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần dân hơn.
Già làng chính là “quan toà” giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn ở buôn làng, tạo sự đoàn kết, ổn định tình hình ở địa phương. Tiếng nói của già làng đại diện cho cả một cộng đồng. Quyền lực của họ không phải mang tính bạo lực, áp bức mà được cộng đồng suy tôn, kính trọng".