Kiểm soát việc đi lại có còn phù hợp?
Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã có hiệu lực từ ngày 11.10.2021 và hầu hết các tỉnh đã gỡ bỏ chốt kiểm soát COVID-19. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Điện Biên vẫn duy trì 4 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào tỉnh. Điều này đã gây phản ứng và tạo tâm lý e ngại của nhiều người khi muốn di chuyển ra, vào địa bàn.
Mặc dù đã được đổi tên thành “Trạm khai báo y tế liên ngành” nhưng bản chất các hoạt động vẫn hoạt động như chốt kiểm soát COVID-19 trước khi Nghị quyết 128 có hiệu lực. Đặc biệt, người dân vẫn phải khai báo y tế thủ công bằng “giấy trắng, mực đen”. Hơn nữa, tại tờ khai này toàn bộ thông tin cá nhân quan trọng như Tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số CMND/CCCD và địa chỉ chỗ ở đều phải kê khai một cách chi tiết…
Nhiều lái xe khách cho biết, mỗi lần đi qua chốt đều phải dừng lại hàng giờ đồng hồ để cho toàn bộ hành khách trên xe xuống khai báo y tế. Trong đó, có nhiều người phải thực hiện test nhanh để sàng lọc rồi mới được vào tỉnh. Cảnh tượng hàng trăm người đứng chen chân xếp hàng chờ khai báo, kiểm soát vào giờ cao điểm tại trạm khai báo y tế trên đỉnh Đèo Pha Đin không khỏi khiến nhiều người lo ngại.
Một hành khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi và những người trong đoàn đi từ “vùng 1” của Hà Nội lên nhưng đến chốt Pha Đin vẫn phải khai báo y tế, về khách sạn tại TP. Điện Biên Phủ lại phải đến phường khai báo 1 lần nữa. Trong khi đó trước khi lên xe chúng tôi đã phải khai báo rồi. Chúng tôi yêu cầu quét mã QR nhưng cũng không được chấp nhận…”.
Địa phương nói gì?
Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: “Việc duy trì chốt kiểm soát không trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ và việc kiểm soát chặt những người về, đến địa bàn là vì bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.
Để khẳng định việc quyết tâm duy trì các chốt kiểm soát lâu dài, ông Vừ A Bằng cho biết: “Hiện tỉnh đã chỉ đạo huyện Tuần Giáo làm thêm một ngôi nhà tôn ở khu vực chốt Pha Đin để người dân có chỗ chờ khai báo, đồng thời yêu cầu huyện Tuần Giáo chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tạo vùng đệm tiếp nhận các trường hợp F0 khi sàng lọc phát hiện. Bên cạnh đó, trưng tập xe y tế của công an, quân đội sẵn sàng đưa đón F0 và yêu cầu các huyện có phương án tiếp nhận F0 về cách ly, điều trị không để lây lan ra cộng đồng”.
Về việc tại sao không áp dụng khai báo y bằng quét mã QR, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu Sở TTTT khẩn trương khắc phục việc gián đoạn khai báo y tế điện tử (quét mã QR). Trước đây đã triển khai nhưng hiện nay tại sao lại không thông, không cập nhập được trên hệ thống? Phải khẩn trương khắc phục việc này để giảm thiểu thời gian khai báo cho người dân”- ông Bằng nói.
Có thể thấy, mặc dù Nghị quyết 128 của Chính phủ là quy định tạm thời và cho phép các địa phương quyết định các biện pháp phù hợp và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung. Thế nhưng Nghị quyết 128 cũng quy định các biện pháp không được trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa và đi lại, sinh hoạt của nhân dân...
Nếu như tỉnh nào cũng "cố thủ" như Điện Biên thì liệu Nghị quyết 128 có còn giá trị và đến khi nào cả nước mới chuyển sang trạng thái bình thường mới?