Ông Đinh Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà (Đà Nẵng) - mới đây cho biết, trước đây, doanh nghiệp có khoảng 250 lao động, nhưng hiện đã cắt giảm khoảng 50%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty mới xuất khẩu được khoảng 9 tấn hàng, giảm đến 70% so với năm 2022. Nguyên nhân một phần do thiếu nguyên liệu, hoạt động khai thác trên địa bàn đang gặp khó khăn, nhu cầu thị trường sụt giảm.
Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước - chia sẻ, đối với các doanh nghiệp thủy sản, tình trạng “đói” đơn hàng đang khá phổ biến.
Theo ông Lĩnh, thông thường các năm trước, đến thời điểm này doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV - nhưng bây giờ ký kết được container nào thì sẽ làm container đó. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ nên đã có một số doanh nghiệp thủy sản đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3.2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỉ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong đó, mặt hàng tôm giảm sâu nhất khi chỉ đạt 577 triệu USD, giảm 40%.
Những khó khăn của ngành thủy sản bắt đầu manh nha từ quý IV/2022, các chỉ số lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá tại nhiều nước khiến sức mua của người dân, các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh. Đáng lưu ý, dù đã ký hợp đồng, từ cuối năm 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3 - 5 tháng, trong khi các đơn hàng ký kết mới cũng giảm đáng kể.
Khảo sát của Vasep mới đây cũng phản ánh, trong quý I/2023, số lượng đơn hàng đã giảm 20-50%, lượng tồn kho tăng cao ở nhiều doanh nghiệp. Dự báo trong quý II/2023, các đơn hàng mới cũng chỉ đạt 30-60% so với quý II/2022, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết, khi nhu cầu thu mua giảm, nhiều nông dân đã phải tạm ngừng thả giống hoặc giảm nuôi, ngư dân giảm các chuyến ra khơi đánh bắt.
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời cho người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, duy trì các chuỗi cung ứng truyền thống thì ngành thủy sản có nguy cơ mất nguồn cung cấp lớn và ổn định, thậm chí mất đối tác lớn.
Đại diện Vasep cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp.
Vasep nhận định doanh nghiệp thủy sản rất mong muốn được giãn nợ 3-5 tháng đối với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I, quý II/2023; tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm 2023, giúp các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông dân, ngư dân để chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.