Ngày 8.12, UBND thành phố đã báo cáo về tình hình triển khai dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM dài tổng cộng gần 76km đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, có tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án (giải phóng mặt bằng và xây lắp).
Trong đó, đoạn Vành đai 3 qua TPHCM dài hơn 47km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng, đã khởi công hồi tháng 6.2023, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Theo UBND TPHCM, Dự án Thành phần 2 (giải phóng mặt bằng) đường Vành đai 3 qua TPHCM đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường, mặt bằng bàn giao hiện đạt tỉ lệ hơn 94%. Trong đó, tiến độ giải phóng mặt bằng tại huyện Hóc Môn đã hoàn thành, huyện Củ Chi đạt 98%, huyện Bình Chánh đạt 96%, thành phố Thủ Đức đạt 90%.
Hiện thành phố đang tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án sẽ hoàn thành sớm trong năm 2023 để bàn giao cho chủ đầu tư.
Đối với Dự án Thành phần 1 (xây lắp) đường Vành đai 3 TPHCM được chia làm 14 gói thầu. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho 5/14 gói thầu. Các gói thầu đang tăng tốc thi công, tuyến đường Vành đai 3 TPHCM qua huyện Hóc Môn đang dần hình thành. Hạng mục cầu Nhơn Trạch đạt hơn 38%, vượt tiến độ 5% so với kế hoạch đề ra. Các gói thầu xây lắp còn lại cũng dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, hiện Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 qua TPHCM đang gặp vấn đề khó khăn về nguồn cung cấp đất, cát đắp nền; đây cũng là khó khăn chung của các dự án cao tốc đang thi công ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và hoàn thành của dự án. Bởi trước đó, Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, nguồn cát đắp nền đường hiện đang thiếu khoảng 20% khối lượng so với nhu cầu của toàn dự án. Trong khi, hiện nay một số mỏ đang ngưng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang và các dự án của tỉnh.
Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3 TPHCM.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp như hiện nay.