Phụ thuộc vào khả năng phòng chống dịch
Theo Bộ GTVT, hiện nhiều nước trên thế giới từng bước được kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, cùng với chính sách tăng cường tiêm vaccine phòng dịch, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã thực hiện chính sách mở cửa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách để khôi phục kinh tế. Trong nước, độ phủ vaccine ngày càng được tăng cường tại các địa phương, mục tiêu hết tháng 12.2021 đạt tỉ lệ tiêm 100% đối tượng thuộc diện tiêm vaccine.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8.11.2021, Bộ GTVT đã có Văn bản số 11818 gửi Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước gồm 3 giai đoạn.
Dự kiến bắt đầu thực hiện giai đoạn 1 từ quý I/2022 và hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan về kế hoạch này. Một số hãng hàng không Việt Nam cũng đã có những kiến nghị gửi tới Chính phủ về các giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế.
Theo đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách phụ thuộc vào yếu tố quyết định là khả năng phòng chống dịch, tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân để thực hiện miễn dịch cộng đồng, cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vaccine”.
Đại diện Vietjet Air cho rằng, việc mở cửa lại các đường bay quốc tế phải thực hiện nghiêm khuyết cáo của WHO và Bộ Y tế, sẽ không chuyển khách ở các quốc gia có dịch bệnh.
Mở chậm sẽ mất cơ hội cạnh tranh
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và Việt Nam nói riêng đã chuyển sang thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, việc sớm mở lại các chuyến bay thẳng thường lệ quốc tế không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải hàng không và các doanh nghiệp du lịch, lưu trú, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, nhu cầu hồi hương của Việt Kiều và khách du lịch tăng cao.
Tại cuộc họp, các hãng hàng không bày tỏ mong muốn sớm được khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, để khôi phục lại, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước. Mặt khác, quy định hiện nay là khách nước ngoài đến Việt Nam phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR âm tính, sau khi nhập cảnh phải cách ly y tế 7 ngày tại các cơ sở theo quy định, khiến khách không mặn mà do đội chi phí...
Theo Phó TGĐ Vietnam Airlines - ông Trịnh Hồng Quang, hiện một số nước Châu Âu và cả các nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Campuchia đã mở bay quốc tế trở lại. Nếu chúng ta càng mở chậm sẽ càng mất cơ hội cạnh tranh với các nước trên thị trường du lịch.
Đại diện Vietnam Airlines cũng đề nghị mở lại đường bay với các thị trường an toàn trước và không thực hiện cách ly với khách đến từ các thị trường này.
Một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải cách ly khách nhập cảnh khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính, quan trọng là phải kiểm soát được di chuyển của họ sau nhập cảnh để phục vụ cho công tác truy vết, phòng dịch. Mặt khác, việc nối lại đường bay quốc tế cần được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại với các nước và vùng lãnh thổ thông qua đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.
Tại cuộc họp, ý kiến của các bộ ngành đều thống nhất cần sớm mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, tuy nhiên chỉ nên mở dần từng bước và thận trọng. Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) và các hãng hàng không Việt Nam cung cấp các thông tin về các thị trường an toàn, gỡ bỏ quy định cách ly 7 ngày hoặc có giải pháp hợp lý khác để kiểm soát dịch đối với khách nhập cảnh.