Ngày 27.1, UBND thành phố Hải Phòng họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Sau khi nghe ý kiến của các Sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kết luận: đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, các ca dương tính hiện nay chưa giảm, qua báo cáo thì các số liệu về tầng 3 (tầng nặng nhất) có xu hướng tăng, tỉ lệ tử vong cũng có chiều hướng tăng, độ tuổi tử vong có xu hướng ngày càng thấp. Một số địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp như Thủy Nguyên, An Dương, Lê Chân, Ngô Quyền…
Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các xã phường không được chủ quan lơ là công tác phòng chống dịch, phó mặc cho lực lượng y tế, đặc biệt trong dịp Tết người dân đi lại di chuyển nhiều. Đối với Trạm Y tế lưu động tại các địa phương có số ca vượt trên 100 ca, Chủ tịch UBND thành phố giao các địa phương chủ động bổ sung người, phương tiện và máy tính, thành phố sẽ hỗ trợ thuốc và kinh phí theo quy định.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thần tốc tiêm vaccine COVID-19, thành phố đang tích cực xin bổ sung vaccine. Nếu có vaccine, thành phố đề nghị các lực lượng khẩn trương tiến hành tiêm xuyên Tết. Sau tết, lực lượng lao động tự do về quê ăn tết quay trở lại làm việc, cần rà soát lại việc tiêm vaccine các đối tượng này.
Về chỗ nghỉ cho cán bộ y tế điều trị cho F0 ở tầng 2 và tầng 3, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý tăng tiền ăn cho khu vực này, đề nghị Sở Tài chính khẩn trương phối hợp với Sở Y tế báo cáo lãnh đạo thành phố phương án chi. Về xe chuyên chở F0, Chủ tịch UBND thành phố giao các địa phương chủ động bố trí nếu lượng phương tiện của thành phố không kịp đáp ứng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 235 Trạm Y tế lưu động đi vào hoạt động, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, nhân viên y tế 100% được đào tạo. Thành phố đang chuẩn bị phương án cho 500 Trạm Y tế lưu động tiếp theo đáp ứng nhu cầu điều trị tại nhà cho bệnh nhân.
Về thuốc kháng virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã cấp cho thành phố 5.000 lọ Remdesivir 100mg điều trị cho khoảng 834 bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình đến nặng; 10.000 viên Avigan 200mg dùng điều trị cho 200 bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ; thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế phân bổ để điều trị cho 1.000 đối tượng.
Nhận định tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine xuyên Tết, hoàn thành mũi bổ sung và mũi nhắc lại trong tháng 2.2022. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ Tết; tiếp tục đào tạo nhân lực đặc biệt như bác sĩ, điều dưỡng phục vụ công tác điều trị; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị cho các cơ sở điều trị để giảm tối đa ca chuyển nặng, nguy kịch và giảm tỉ lệ tử vong; quản lý tốt nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền); nâng cao chất lượng quản lý, thu dung điều trị, điều trị phục hồi chức năng hậu COVID-19; hạn chế tối đa ca chuyển nặng và tử vong.
Tính từ 18h ngày 26.1 đến 18h ngày 27.1, Hải Phòng ghi nhận 712 ca nhiễm mới. Đến thời điểm hiện tại, số ca hồi phục xuất viện: 20.013 ca; đang điều trị: 17.393 ca; số ca tử vong là 62 ca.