Như Báo Lao Động đã phản ánh trong bài viết "Giăng bẫy, dụ "mồi" trước cổng chùa Thầy", Đình làng Thụy Khuê là một ngôi đình cổ có khuôn viên khiêm tốn, nằm bên ngoài, ngay sát cửa soát vé Khu di tích chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Đây đơn giản được hiểu là một ngôi đình làng thông thường.
Tuy nhiên, lợi dụng địa thế dễ gây hiểu lầm, một nhóm đối tượng là cư dân địa phương đã liên tục chèo kéo, giới thiệu với du khách đây là Đền Trình thuộc Khu di tích chùa Thầy, gạ gẫm đặt lễ rồi sau đó thu những mức phí từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.
Điều đáng nói, trụ sở UBND xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) nằm cách nơi các đối tượng "cò mồi" hoạt động chỉ vài bước chân.
Ngày 12.3, trao đổi với phóng viên, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho biết: "Tôi đã nắm được thông tin về vụ việc xảy ra tại chùa Thầy và đã cho kiểm tra, nhắc nhở".
Tuy nhiên, ông Tô Văn Động cho rằng trách nhiệm chính xử lý thuộc về UBND huyện Quốc Oai, xã Sài Sơn và Ban quản lý khu di tích chùa Thầy.
Cùng ngày, UBND huyện Quốc Oai đã ra công văn yêu cầu Công an huyện phối hợp với UBND xã Sài Sơn căn cứ nội dung bài báo và hình ảnh báo nêu để điều tra, xác minh ngay vụ việc. Báo cáo kết quả điều tra xác minh đồng thời đề xuất phương án xử lý gửi về UBND trước ngày 20.3.2020.
Trong công văn nêu rõ, UBND huyện Quốc Oai yêu cầu Ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy khảo sát lắp đặt lại biển đình Thụy Khuê đảm bảo mỹ quan, dễ thấy giúp hướng dẫn du khách tham quan nhận biết các điểm tham quan di tích đặc biệt chùa Thầy, tránh giả danh đền Trình với Đình Thụy Khuê.
Đồng thời, UBND huyện Quốc Oai cũng chỉ đạo UBND xã Sài Sơn phối hợp với Ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy yêu cầu thôn Thụy Khuê, tiểu ban quản lý di tích đình Thụy Khuê tuyệt đối không cho bán hàng khu vực đình Thụy Khuê trả lại sự tôn nghiêm cho quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy.
Trước đó, ngày 11.3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng Ban quản lý di tích chùa Thầy thông tin đây là vấn đề mà chính bản thân ông cũng bức xúc nhiều năm qua.
"Nhóm chèo kéo, chặt chém du khách ở Đền Trình là tự phát. Đội đấy có cơ quan chức năng thì chạy trốn, vắng mặt cơ quan chức năng thì hoạt động. Năm 2017, chúng tôi đã dẹp được hẳn nhưng sau đó lại hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, Công an huyện đã bắt 8 vụ rồi; nhưng không có chế tài xử phạt nên chỉ răn đe, nhắc nhở" - ông Hán cho biết.
Vị Trưởng Ban quản lý di tích chùa Thầy trong suốt nhiều năm đã phải trăn trở vấn đề này, ông cho rằng chính quyền UBND xã Sài Sơn đã chưa làm hết trách nhiệm của mình. "Đã giải thích bao nhiêu lần rồi, một đồng tiền cám dỗ làm mất đi cả. Tôi từng nói ngay giữ hội nghị của xã rằng đình nhà mình mà nhận là đình Trình, không biết nhục, thành hoàng làng nhà mình mà không nhận.
Những người đó được lợi nhưng mất hình ảnh cả huyện, rất xấu hổ. Tôi bảo luôn, các anh phải thấy xấu hổ, thấy nhục. Chùa Thầy thì đẹp thật nhưng người chùa Thầy lại thế này sao?" - ông Nguyễn Vũ Hán bức xúc bày tỏ.