Tổ chức độc lạ
“Hội quán đất Sen hồng là mô hình mở dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người có cùng chí hướng, hoạt động dưới sự dẫn dắt của “Thủ lĩnh cộng đồng” - ông Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ.
Theo ông Công, mô hình này hoạt động theo cơ chế "4 không". Cụ thể là không có tổ chức bộ máy, không chi phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất và cũng không giới hạn về địa giới hành chính. Thành viên Hội quán không chỉ có nông dân, mà còn có cán bộ hưu trí, doanh nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia…
Theo đó, tất cả người dân có chung ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cùng tham gia sinh hoạt trong một không gian cộng đồng và cùng nhau định hướng phát triển cộng đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ công việc chung theo phương pháp "3 tự" (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) để hướng tới mục tiêu "3 cùng" (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).
Mỗi Hội quán đều gắn với ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và nội dung hoạt động của Hội quán tương đối phong phú, đa dạng như: Hội quán chăn nuôi, Hội quán sản xuất nông nghiệp; sản xuất khô, mắm; kinh doanh buôn bán; trồng hoa kiểng; kinh doanh nhà trọ; sản xuất bột, trồng cây có múi; văn nghệ sĩ...
Từ “không” đến “có”
Cách làm này là sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - khởi xướng vào năm 2016 khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp.
Theo đó, ngày 3.7.2016, Đồng Tháp thử nghiệm mô hình Canh tân Hội quán tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành). Tuy chỉ vỏn vẹn 105 thành viên, nhưng thông qua các sinh hoạt định kỳ hàng tháng, đã chuyển tải thông tin thị trường và tiến bộ khoa học từ nhiều nguồn đến kịp thời, đúng nhu cầu thực tế. Qua đó đã tạo ra hiệu quả tích cực. Từ đó đã nhanh chóng lan tỏa rộng. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 145 Hội quán với gần 7.600 hội viên.
Không dừng lại ở chỗ chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm”, các Hội quán còn từng bước giúp nhau giải quyết bài toán liên kết - hợp tác, góp phần hình thành vùng nguyên liệu quy mô, sản phẩm chất lượng… để liên kết với các doanh nghiệp, tạo ra thương hiệu tin cậy…
“Đáng chú ý nhất là thông qua sinh hoạt Hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể và chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” - ông Công cho biết.
Hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Năm 2018, khi về làm việc tại Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao mô hình này: “Hội quán là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”.
Sau thời gian chuẩn bị, ngày 18 - 19.11.2023 tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Hội quán để hiện thực hóa chỉ đạo này. Trong đó có nội dung Đồng Tháp hướng tới việc lấy Hội quán làm điểm tựa xây dựng mô hình Làng thông minh, Làng hạnh phúc…