Hồ Ka Pét "lụt" tiến độ, Bình Thuận vẫn muốn có thêm hồ thủy lợi 10.000 tỉ đồng

Nhóm PV |

Ở thời điểm hiện tại, dự án hồ Ka Pét đang trong giai đoạn khoan thăm dò địa chất. Đây mới chỉ là những bước đầu tiên và cơ bản nhất trong quá trình triển khai dự án - dù theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội, thời gian thực hiện là từ năm 2019 đến 2025.

Rất khó để đúng tiến độ

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo hỏa tốc số 224/BC-CP gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, hồ Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3. Mục tiêu là cấp nước tưới cho đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 519 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2019 - 2025.

Tuy nhiên, đến nay dự án hồ chứa nước Ka Pét mới chỉ được cấp giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước.

Hiện, dự án Hồ Ka Pét mới đang triển khai hạng mục khoan thăm dò địa chất. Ảnh: Duy Tuấn
Hiện, dự án Hồ Ka Pét mới đang triển khai hạng mục khoan thăm dò địa chất. Ảnh: Duy Tuấn

Các phần việc quan trọng khác như chuyển mục đích sử dụng rừng và tận thu lâm sản; khảo sát, lập hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lựa chọn nhà thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ và triển khai rà phá bom mìn; thực hiện các thủ tục liên quan đến các gói thầu thi công, giám sát, bảo hiểm công trình và triển khai thi công… phải từ tháng 6 - 7.2024 mới bắt đầu triển khai.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc UBND tỉnh Bình Thuận đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng như Nghị quyết của Quốc hội là rất khó khăn. Việc triển khai dự án đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Trước đó vào ngày 26.3.2024, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có báo cáo gửi các bộ, ngành Trung ương về tình hình triển khai thực hiện dự án này đồng thời chỉ ra nhiều nguyên nhân chậm trễ.

Một công trình thủy lợi tại Bình Thuận. Ảnh: LN.
Một công trình thủy lợi tại Bình Thuận. Ảnh: LN.

Theo UBND tỉnh, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất thì tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu - là đới đá phong hóa vừa xen kẹp phong hóa mạnh ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập. Điều này khiến đơn vị tư vấn và Ban QLDA cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này.

Một nguyên nhân khác là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, cùng với công tác phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh Bình Thuận.

"Do cần thận trọng cân nhắc kỹ, đề xuất quy mô, phương án kỹ thuật phù hợp, khoa học, tối ưu, vừa bảo đảm mục tiêu của dự án, vừa bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và tôn giáo. Đồng thời, trong quá trình lập và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi phải hoàn chỉnh các nội dung công việc để cập nhật vào tổng mức đầu tư liên quan đến các sở, ngành và địa phương. Vì vậy, dự kiến tiến độ thực hiện Dự án sẽ không đảm bảo theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội" - văn bản của UBND tỉnh nêu rõ.

Đáng chú ý, cũng trong báo cáo kể trên, UBND tỉnh Bình Thuận có đề cập đến một thủy lợi khác có tên La Ngà 3. Cụ thể như sau: "để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ tỉnh tính toán các phương án đầu tư dự án hồ La Ngà 3 và dự án Hồ chứa nước Ka Pét để đảm bảo đồng bộ, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện 2 dự án".

Làm ngập 4 xã để phục vụ hồ thủy điện La Ngà 3

Theo tìm hiểu của PV, công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 là dự án thuộc nhóm A đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước với tổng chi phí đầu tư khoảng gần 10.000 tỉ đồng. Bộ NNPTNT là đơn vị chủ quản.

Theo báo cáo đánh giá tác động ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 được Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam lập tháng 9.2017, ngoài những tác động tích cực là cấp nước cho Bình Thuận, tác động ảnh hưởng đến môi trường hạ du là tương đối lớn.

Tổng diện tích xây dựng công trình hồ La Ngà 3 là 6.600ha, trong đó riêng diện tích ngập lòng hồ hơn 2.165ha, dự kiến gây ngập trên diện tích khoảng 1.970ha ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

Nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho thấy sẽ có hàng trăm hộ dân tại 4 xã sẽ phải di dời để phục vụ dự án. Ảnh: LN.
Nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho thấy sẽ có hàng trăm hộ dân tại 4 xã sẽ phải di dời để phục vụ dự án. Ảnh: LN.

Theo báo cáo của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, để có thể thực hiện được dự án, tỉnh Bình Thuận cần thực hiện công tác di dời gần hơn 600 hộ với gần 3.000 người dân do diện tích bị ngập ảnh hưởng rơi vào khoảng 2.165ha.

Trong số những xã có diện tích ngập, xã Đồng Kho ngập 408,4ha; xã Đức Bình ngập 212,2ha, xã La Dạ ngập 80,4ha và xã La Ngâu ngập 1.464ha - riêng xã La Ngâu sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn với diện tích ngập này.

Bên cạnh đó, trao đổi với Lao Động, Sở NNPTNT Bình Thuận xác nhận để xây dựng hồ La Ngà 3, tỉnh sẽ phải hi sinh trên 1.608ha rừng. Trong đó, rừng đặc dụng 144,95ha; rừng phòng hộ 3,62ha; rừng sản xuất 1.274,43ha và ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 185,75ha.

"Ngày 28.8.2023, Bộ NNPTNT đã có văn bản số 5974/BNN-KH về việc triển khai dự án hồ La Ngà 3. Dự án dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Sau khi thi công hoàn thành, dự án sẽ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh của Khu vực Đông Nam Bộ", đại điện Sở NNPTNT Bình Thuận thông tin thêm.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Khoan thăm dò địa chất tại nơi sẽ làm hồ chứa nước Ka Pét

DUY TUẤN |

Bình Thuận – Những mũi khoan thăm dò địa chất được khoan xuống lòng đất nơi sẽ được hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét để lấy mẫu đất đá đánh giá nền móng, địa tầng.

Khát vọng hồ chứa nước Ka Pét để có nước vào mùa khô hạn ở xã vùng cao

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Đang vào cao điểm khô hạn, bà con xã vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam còn phải chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thêm hơn một tháng nữa mới có mưa. Một nghịch lý mà bao năm đồng bào dân tộc Rai nơi đây phải đối mặt là mùa mưa nước nhiều nhưng không thể giữ lại nước mưa để dùng cho mùa khô vì chưa có hồ tích nước. Do đó, khát vọng có hồ chứa nước Ka Pét để chứa và cung cấp nước quanh năm là khát khao lớn của người dân nơi đây.

Nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án hồ Ka Pét

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, trong đó có nêu quá trình triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét có nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ của dự án.

Tiến độ thực hiện dự án hồ Ka Pét có thể không đảm bảo hoàn thành cuối 2025

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Ngày 7.3, UBND tỉnh Bình Thuận có báo cáo gửi các bộ, ngành Trung ương về tình hình triển khai thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Yêu cầu sớm hoàn thành đánh giá tác động môi trường dự án hồ chứa nước Ka Pét

Duy Tuấn |

Bình Thuận - Liên quan đến dự án hồ chứa nước Ka Pét, đến nay, tiến độ thực hiện các công việc có liên quan và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án còn chậm. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các ban, sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.