Hồ Tây rộng hơn 527 ha, chu vi hồ khoảng 19 km. Hạ tầng kỹ thuật hồ cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè, đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây. Dự thảo nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Đặc biệt, thành phố muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Theo ghi nhận, tại khu vực hồ Tây, hiện tại nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí đông vui, tấp nập hấp dẫn người dân.
Tuy nhiên, đây đa phần là dịch vụ xung quanh hồ, trên mặt nước hồ Tây chỉ có dịch cho thuê thuyền kayak hoạt động.
Là người thường xuyên sử dụng những dịch vụ tại hồ Tây, anh Trịnh Quốc Mạnh (22 tuổi, Triều Khúc, Thanh Xuân) cho biết, anh cảm thấy hồ Tây rất đẹp, tuy nhiên dịch vụ vui chơi trên mặt hồ rất ít và không đặc sắc.
“Những hôm muốn vui chơi trên mặt nước hồ Tây, tôi sẽ chỉ được chọn thuê thuyền kayak để trải nghiệm, như vậy sẽ khá tẻ nhạt và lần sau khả năng cao tôi sẽ chọn địa điểm khác để vui chơi”, anh Mạnh nói.
Ý kiến khác cho biết, việc cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại ở hồ Tây sẽ làm tăng sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh hồ Tây, đồng thời quận Tây Hồ cũng có nguồn thu bền vững.
Tuy nhiên, thành phố nên cẩn trọng trong việc cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt với hoạt động kinh doanh tàu du lịch, vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy.
Trước đây, sự tồn tại của những tàu du lịch, nhà nổi đã khiến hệ sinh thái, thủy sản trong hồ chết hàng loạt dẫn tới hồ Tây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bởi lẽ, tại khu vực hồ Tây đoạn phố Nhật Chiêu, hiện vẫn còn 4 phương tiện gồm 3 tàu và 1 sàn nổi của 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời, án ngữ mặt hồ, làm mất đi nét đẹp vốn có của hồ Tây.
Trao đổi với Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, hồ Tây không chỉ có giá trị ở cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh, là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội.
"Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, người dân trong nước và nhiều du khách nước ngoài. Vì vậy, khi xây dựng quy định quản lý và khai thác hồ Tây, các cơ quan quản lý Nhà nước nên chú ý đến lợi ích văn hóa gắn với hồ Tây, chứ không phải chú trọng khai thác riêng lợi ích về kinh tế đơn thuần", ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, nếu cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh trên hồ Tây sẽ tạo ra sự lộn xộn về cảnh quan, từ đó có thể mất đi giá trị vốn có của hồ lớn nhất Thủ đô. Khi khai thác, phải làm sao để hồ lớn nhất Hà Nội không bị ô nhiễm, cảnh quan được giữ gìn.
Cùng nói về vấn đề này, TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc giữ gìn những hồ, ao để bảo vệ môi trường đồng thời khai thác những nguồn lợi về kinh tế là cần thiết, nhưng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Chính vì thế cần phải hết sức thận trọng trong việc cho phép kinh doanh ở đây.
Theo bà, cần phải có nghiên cứu thật kỹ về tác động của 12 loại hình dịch vụ định mở đối với hệ sinh thái, môi trường và xã hội của hồ Tây. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì hồ sẽ lại rơi vào cảnh ô nhiễm, tác động tiêu cực đến các giá trị tâm linh và du lịch.