Liên quan tới việc UBND TP Hà Nội tính khôi phục tàu du lịch hoạt động trên hồ Tây, chiều 28.3, tại phiên họp của ban chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy đối với công tác quản lý hồ Tây là trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại.
Bí thư Hà Nội đề nghị các đơn vị tập trung di dời hết các tàu cũ còn lại, bảo đảm cảnh quan, môi trường của khu vực hồ Tây. Việc đưa du thuyền hoạt động trở lại chưa vội tính đến. Sau này nếu có tính toán đến việc này thì cũng phải xem xét rất kỹ đến mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ.
Trước đó, vào thời gian cao điểm, từng có 14 doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác bến thủy nội địa, sử dụng tới 147 phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí... trên mặt hồ Tây.
Tuy nhiên, các phương tiện, cơ sở này không những không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định như: phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện… mà nhiều phương tiện, nhà nổi cỡ lớn còn thường xuyên xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước hồ Tây, làm cá chết hàng loạt.
Đầu năm 2017, TP Hà Nội đã chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây. Xác định vị trí và di chuyển tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ Tây.
Đến nay, 143/147 tàu vi phạm đã được di dời khỏi hồ Tây. Hiện tại, còn 4 tàu vi phạm đang được quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc để xử lý dứt điểm, trả lại cảnh quan mặt nước và môi trường cho hồ Tây.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây (thuộc địa bàn quận Tây Hồ), trong đó dự kiến 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động ở hồ Tây trong thời gian tới.
Cụ thể, 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Ngoài ra, thành phố cũng muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.