Ngày 23.3, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra, xử phạt 22 trường hợp không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, với tổng số tiền 550 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng các tàu cá trên.
Không chỉ xử phạt các tàu cá, tỉnh Khánh Hòa còn công khai danh sách, thông tin về các trường hợp vi phạm khi tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển để tăng tính răn đe, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hiện nay Khánh Hòa có tổng số tàu cá đăng ký là 3.198 trong đó, đã thực hiện cấp phép giấy phép khai thác thủy sản cho 3.187/3.198 tàu (đạt 99,6%).
Đến nay, địa phương đã cấp giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm cho nhóm tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên cho 657/677 tàu cá (đạt 97%).
Mặc dù cố gắng triển khai các giải pháp về IUU nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn.
Cụ thể đến nay, còn 179 thông báo/344 lượt tàu cá mất kết nối do Trung tâm Giám sát tàu cá tỉnh đã gửi thông báo đến BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh nhưng chưa có xác minh, xử lý kết quả đến cùng.
Trong đó, năm 2022 có 149 thông báo/257 lượt tàu; năm 2023 có 43 thông báo/87 lượt tàu. Hiện còn 165 tàu đang ngừng kết nối dịch vụ VMS gây khó khăn trong công tác quản lý; 7 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trong thời gian đến, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tuyên truyền tăng cường tuyên truyền đến chủ tàu, ngư dân trên địa bàn về chống khai thác IUU, không xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài; xác định vị trí các tàu cá ngưng sử dụng dịch vụ VMS, tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu các chủ tàu cá trên không được hoạt động khai thác thủy sản khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về IUU.