Thiếu công bằng trong kỳ tuyển sinh, trách nhiệm của ai?
439 học sinh dù điểm thi THPT quốc gia không cao bằng điểm chuẩn mà trường đại học đưa ra, nhưng vẫn được “ưu tiên” để trúng tuyển vào nhiều trường có tiếng. Trong đó có những trường, mà để cạnh tranh được một suất trên giảng đường, học sinh phải nỗ lực, dày công ôn luyện.Đặc biệt, 439 học sinh trúng tuyển theo diện này đều do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đứng ra chủ trì tuyển sinh. Đơn vị này cho rằng mình thực hiện việc này là theo đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Khu Kinh tế Nghi Sơn) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Lao Động, trong 3 nhóm nhiệm vụ trong đề án, không có bất kỳ nhiệm vụ nào cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì, đấu mối với các trường đại học, tuyển sinh học sinh THPT trên toàn quốc đi học trình độ ĐH.
Đặc biệt, trong công văn số 2403 của Bộ GDĐT, khi chấp thuận việc bổ sung chỉ tiêu để các trường đại học đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn, có nêu rõ đối tượng tuyển sinh là: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT, đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng và cam kết làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn sau khi tốt nghiệp, ưu tiên thí sinh diện chính sách và những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, thông tin của Lao Động, phần lớn học sinh trúng tuyển là người Hà Nội và các tỉnh thành khác, học sinh Thanh Hóa chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Các trường đại học có thí sinh trúng tuyển theo diện được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) khi được hỏi, sau khi kiểm tra hồ sơ, cũng bất ngờ khi sinh viên trúng tuyển theo diện này phần lớn có hộ khẩu Hà Nội.
“Khi lập hội đồng xét tuyển, nhà trường có xem xét hồ sơ và đối chiếu với các nội dung mà đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Khu Kinh tế Nghi Sơn) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 đưa ra?”, “Trường có rà soát đối tượng tuyển sinh theo các tiêu chí mà công văn 2403 của Bộ GDĐT yêu cầu?”. Trả lời các câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho biết, việc lập danh sách, duyệt hồ sơ là nhiệm vụ của UBND tỉnh Thanh Hóa. Khi nhận được hồ sơ, nhà trường tổ chức xét tuyển theo tinh thần của công văn 2403: Học sinh đạt trên điểm sàn theo quy định của Bộ GDĐT là trường xét trúng tuyển, chứ không căn cứ vào điểm chuẩn của ngành đào tạo như các sinh viên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh chung.
Phóng viên cũng đã gửi nội dung cần lấy ý kiến đến Bộ GDĐT về việc ai chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra đối tượng tuyển sinh theo diện “đặt hàng” này, để tránh việc địa phương “lách kẽ hở” để tuyển sinh sai đối tượng?”. Tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời của Bộ GDĐT.
Đùn đẩy trách nhiệm
Theo các trường đại học, trong công văn 2403 của Bộ GDĐT đã nêu UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo bộ phận chức năng lập danh sách gửi các trường xét tuyển, vì vậy phía Thanh Hóa phải chịu trách nhiệm nếu họ tuyển không đúng đối tượng.
Chúng tôi đã liên hệ với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Trường Đại học Hồng Đức - đơn vị trực tiếp ban hành các thông báo tuyển sinh, để tìm câu trả lời “ai chịu trách nhiệm khi đối tượng tuyển sinh nói ưu tiên thí sinh có hộ khẩu Thanh Hóa, nhưng phần lớn thí sinh ở Hà Nội trúng tuyển?”. Vậy nhưng suốt hơn 1 tháng, nhiều lần đặt lịch, ông Lê Minh Hiền - GĐ Trung tâm luôn né tránh, đùn đẩy. Trong khi người ký ban hành các thông báo tuyển sinh là ông Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.
Người được ông Hiền giao thực hiện trực tiếp là ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm. Ông Sơn với trách nhiệm của mình đã thực hiện việc thu nhận hồ sơ tuyển sinh, tổng hợp rồi chuyển cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, các trường đại học có học sinh theo học. Tuy nhiên, ông Võ Hồng Sơn không trả lời, cung cấp thông tin mà chỉ một mực chờ ý kiến lãnh đạo.
Cuối cùng PV Lao Động cũng có buổi làm việc với ông Phạm Chí Công - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp. Ông Công hầu như né tránh tất cả các câu hỏi chi tiết liên quan việc tuyển sinh. Chẳng hạn, dựa vào cơ sở nào, quy định nào để Thanh Hoá tuyển sinh hàng loạt học sinh THPT như vậy? Vì sao Trung tâm chỉ phát hành thông báo tuyển sinh trong khoảng 10 ngày? Vì sao hồ sơ nhận được đa số lại là con em người Hà Nội? Liệu có một đường dây “chạy” hay không?... Ông Pham Chí Công hoàn toàn không trả lời được các câu hỏi này.
Ông Công một mực chỉ nói Trường ĐH Hồng Đức làm việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp với Khu Kinh tế Nghi Sơn. Vậy nhưng phóng viên đề nghị ông Công cung cấp các tài liệu liên quan như danh sách tổng hợp các học sinh đã được nhận đi học hoặc văn bản chỉ đạo cụ thể nào của UBND tỉnh…, ông Công không cung cấp bất kỳ tài liệu nào. Ông Công một mực đổ tất cả mọi việc là làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thực tế, việc đào tạo theo địa chỉ không phải chuyện mới nhưng phải được thực hiện theo những quy định chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người học, đặc biệt đảm bảo công bằng xã hội.
Từ năm 2012, đã có nhiều đề án thực hiện đào tạo, quy hoạch phát triển nhân lực theo nhu cầu xã hội. Chẳng hạn chương trình đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng được UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện bài bản, minh bạch, rõ ràng. Cụ thể, UBND tỉnh xin ý kiến, chủ trương của Chính phủ, Bộ GDĐT, ban hành quyết định cụ thể. Theo đó, đối tượng học sinh được tuyển theo chương trình này phải là người có hộ khẩu ở 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình, người theo học được hỗ trợ học phí, tiền ký túc xá và sau khi tốt nghiệp phải về làm việc ở Vũng Áng tối thiểu 5 năm, nếu sau 2 năm các doanh nghiệp ở Vũng Áng không tuyển dụng sẽ được tự do đi tìm việc… Sau đó UBND tỉnh thành lập hội đồng tuyển sinh minh bạch, rõ ràng.
Vậy nhưng ở Thanh Hoá, UBND tỉnh không ban hành quyết định cụ thể, không thành lập hội đồng tuyển sinh và đến chính Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng không hay biết. Trong số những học sinh đang học ở các trường đại học danh giá ở Hà Nội, chỉ có không đến 10 sinh viên là người Thanh Hoá, chủ yếu là người Hà Nội. Cơ sở nào để Thanh Hoá có cơ chế tuyển sinh cho học sinh Hà Nội?
Trả lời những câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, cách làm của Thanh Hoá là không minh bạch, khách quan và rõ ràng. Ở một góc độ nào đó, đây là cách làm bất minh, nhiều khuất tất, trái các quy định và dư luận có quyền nghi ngờ về một vụ gian lận tuyển sinh với đường dây chạy đi học lớn mà Trung tâm GDTX ĐH Hồng Đức là một mắt xích.