Theo quyết định của HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà, ông Tốn có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công việc đang quản lý cho cán bộ được phân công tiếp nhận của công ty. Ngoài ra, Hội đồng quản trị công ty cũng bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc mới đối với ông Nguyễn Xuân Quý. Trước đó, ngày 16.10 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với PV Lao Động về việc xử lý trách nhiệm của vụ việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại Cơ quan cảnh sát điều tra đang làm rõ vụ việc về hành vi đổ thải trộm nên các bên liên quan gồm Cty Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ), các cá nhân điều khiển xe đổ thải trộm sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Được hỏi về trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước đầu nguồn, vị này cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định đầy đủ trong Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Theo thông tư này, quy định trách nhiệm của đơn vị tổ chức trực tiếp, quản lý, vận hành công trình khai nước (tức Cty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà) phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý. Ngoài ra, theo thông tư này, UBND tỉnh Hoà Bình có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn. Và UBND huyện và xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn; Tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
“Như vậy thông tư đã quy định trách nhiệm từ UBND cấp tỉnh, huyện, xã và đơn vị khai thác sản xuất nước. Tôi nghĩ, sau vụ việc, UBND tỉnh Hoà Bình cần có cuộc họp để xem xét rõ trách nhiệm theo quy định Luật Tài nguyên nước và Thông tư 24/2016/TT-BTNMT” - vị này nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Lao Động, các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Tài nguyên nước, Thông tư 24/2016/TT-BTNMT… không có điều khoản nào quy định rõ trách nhiệm cá nhân, chế tài xử lý khi để xảy ra vi phạm.
Trao đổi với PV Lao Động, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, sau vụ ô nhiễm nước sông Đà gây rúng động đã thay đổi tư duy về việc bảo vệ an ninh nguồn nước. “Từ việc thay đổi tư duy này nên sửa, bổ sung vào Luật Tài nguyên nước, các văn bản dưới luật để quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng cho lãnh đạo các cấp với mục tiêu bảo vệ an toàn tuyệt đối an ninh nguồn nước”.