Mới đây, đơn vị tư vấn và thực hiện gói thầu CT3-CS-TV08: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP.Cần Thơ đã đưa ra kế hoạch kiểm soát nước, quản lý mực nước trong vùng lõi đô thị TP.Cần Thơ.
Theo đó, đến năm 2025, vùng lõi TP Cần Thơ sẽ có 4 mặt đê kiên cố bao quanh từ đường nối Cách mạng Tháng 8 với Đường tỉnh 918, kè dọc sông Mương Khai - Cái Sơn, kè dọc sông Cần Thơ, đường Cách mạng Tháng 8 và giáp ranh với phường Cái Khế. Đê bao này sẽ bảo vệ trên diện tích hơn 2.600ha vùng lõi của thành phố thuộc 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Theo kịch bản, tại các đoạn trên vùng lõi hơn 2.600ha trên, sẽ có các công trình kiểm soát nước, các cống và các trạm bơm; cải tạo các kênh hở; cải tạo mạng lưới thoát nước ngầm và hệ thống thoát nước có cửa cống tự động.
Khi mực nước sông dâng cao từ 0,6 đến 2,4m sẽ vận hành các cửa xả kiểm soát nước. Vào mùa khô sẽ mở cống hoàn toàn vì không có nguy cơ ngập lụt. Trong đó, kiểm soát và quản lý tình trạng khô cạn trên các kênh và duy trì quản lý mực nước tại các tiểu khu. Nếu lượng mưa lớn hơn 30,9mm trùng với thời điểm triều cường dâng cao sẽ đóng các cửa cống lại và vận hành các máy bớm để ngăn ngập lụt trong đô thị.
Được biết gói thầu CT3-CS-TV08: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP.Cần Thơ nằm trong hợp phần 3 của dự án Phát triển TP.Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng đô thị. Gói thầu này, có giá trị 38,580 tỉ đồng, ngày kết thúc hợp đồng vào ngày 30.6.2024.
Dự án Phát triển TP.Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng đô thị có tổng thể 59 gói thầu (không bao gồm 12 gói thầu trong giai đoạn chuẩn bị), trong đó có 48 gói thầu thuộc nguồn vốn ODA và 11 gói thầu thuộc nguồn vốn đối ứng. Mục đích của dự án khi dự án hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo một hệ thống khép kín bảo vệ hơn 2.600ha, kiểm soát được tình trạng ngập vùng lõi thuộc 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Dự kiến năm 2025 tất cả các hạ tầng sẽ được đưa vào vận hành.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, thời gian qua công tác chống ngập cho TP Cần Thơ đặt nặng giải pháp công trình nhiều hơn giải pháp phi công trình. Nếu khôi phục lại vùng trũng để trữ nước và ưu tiên sử dụng các loại gạch tại các công trình chống ngập để có thể thấm hút nước thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.
PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, việc UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành danh mục các ao hồ cấm san lấp trên địa bàn là giải pháp tích cực để giải quyết ngập úng tại TP.Cần Thơ. Tuy nhiên, cần phải đánh giá lại những giải pháp đó khả thi, hiệu quả tới mức nào? Ngoài ra cũng cần xem dung tích chứa so với lượng nước ngập và khả năng nước dồn lại ở vùng trũng đó có phù hợp hay không để có phương án phù hợp.