Giáo viên chỉ được nghe lại kết luận kiểm tra
Báo Lao Động mới đây có bài viết: "Hiệu trưởng ỉm hơn 600 triệu đồng phụ cấp của giáo viên tỉnh Bắc Ninh" phản ánh việc suốt 7 năm, khoảng 20 giáo viên trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh không được hưởng số tiền phụ cấp theo quy định.
Sau khi các giáo viên có đơn phản ánh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc kiểm tra.
Kết luận nêu trong thời kỳ kiểm tra 2013 - 2022 (giai đoạn ông Nguyễn Văn Cương làm hiệu trưởng, hiện ông Cương là Giám đốc Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh), nhà trường đã không quyết toán khoản phụ cấp trách nhiệm 0,3 theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 61 cho giáo viên.
Thay vào đó lại chi số tiền được cấp trong 7 năm (từ năm 2013 - 2016 và từ năm 2020 - 2022) với số tiền 613.296.000 đồng vào việc chi thường xuyên của trường là không đúng với dự toán duyệt, vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng ngân sách.
Tuy vậy, theo phản ánh của các giáo viên, khi họ đề nghị được tiếp cận kết luận kiểm tra có dấu đỏ của Sở VHTTDL thì bị từ chối mà chỉ được lãnh đạo Phòng Đào tạo của nhà trường đọc lại cho nghe.
Thông tin xử lý mập mờ từ Sở VHTTDL Bắc Ninh
Sau khi tiếp nhận phản ánh của các giáo viên, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh để làm rõ.
Ngày 21.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Ảnh - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh - cho biết, Giám đốc Sở VHTTDL đã trực tiếp chỉ đạo, mọi việc cơ bản đã được giải quyết.
"Theo kiểm tra, số tiền phụ cấp trên đã được hiệu trưởng cũ là ông Nguyễn Văn Cương sử dụng vào mục đích chung, cho phát triển sự nghiệp của nhà trường. Hiện, số tiền đã được thu hồi về ngân sách Nhà nước", ông Nguyễn Văn Ảnh thông tin.
Trả lời cầu hỏi của phóng viên về việc số tiền đã thu hồi trên có được chi trả lại cho các giáo viên hay không, ông Ảnh cho biết: "Các giáo viên không nhận lại được tiền, bởi theo các quy định không được chi".
Khi phóng viên đề nghị làm rõ là căn cứ theo quy định nào mà các giáo viên lại không được chi trả lại số tiền trên và hình thức xử lý đối với ông Nguyễn Văn Cương, người để xảy ra vi phạm thì ông Ảnh đề nghị mời phóng viên về Sở VHTTDL để làm việc trực tiếp.
Sáng 22.11, chúng tôi liên hệ lại ông Nguyễn Văn Ảnh để đặt lịch làm việc thì ông Ảnh đề nghị phóng viên liên hệ với ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh.
Khi phóng viên liên hệ với ông Trịnh Hữu Hùng thì được đề nghị chiều cùng ngày về Sở làm việc với ông Nguyễn Đức Trọng - Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, khi phóng viên gặp ông Nguyễn Đức Trọng - Chánh Thanh tra Sở, xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc, ông Trọng cho biết phải có chỉ đạo từ ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở thì mới cung cấp thông tin.
Ngay sau đó, chúng tôi nhiều lần liên hệ lại ông Hùng nhưng không nhận được phản hồi.
Phóng viên cũng đã gửi giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc tại Văn phòng Sở VHTTDL nhưng từ ngày 22.11 đến nay cũng chưa nhận được phản hồi từ Sở này.
Như vậy, đến nay, dù đã có kết luận vi phạm nhưng 2 vấn đề mà các giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh và dư luận quan tâm nhất là: Số tiền đã được thu hồi có được trả lại cho giáo viên hay không và hình thức xử lý đối với ông Nguyễn Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng, người để xảy ra vi phạm, vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Trong khi đó các giáo viên cũng cho rằng việc chưa công bố kết luận kiểm tra mà chỉ đọc chung chung là "Hiệu trưởng dùng tiền phụ cấp vào việc chung, chi thường xuyên" là rất mập mờ, không rõ ràng. Cần thiết phải làm rõ "việc chung" đó là việc gì và đã chi cụ thể cho những khoản nào với số tiền hơn 613 triệu đồng.
Tâm lý sợ trách nhiệm, đẩy việc lên cấp trên, đơn vị khác
Ngày 29.11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở trong cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó nêu rõ, còn có một số tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở; vẫn còn tình trạng tâm lý sợ trách nhiệm, tránh va chạm, không chịu làm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thậm chí đẩy việc lên cấp trên, sang các cơ quan, đơn vị khác.