Lo ngại chậm trễ
Trao đổi với PV Lao Động, bà Cao Thị Nga (sinh sống ở nhà A9, Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau hàng chục năm xây dựng, khu tập thể Nghĩa Tân đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, do mật độ dân số tăng lên, kết cấu nhà ở tại đây cũng bị tác động mạnh vì tình trạng cơi nới, mở rộng chuồng cọp diễn ra phổ biến.
Theo bà Cao Thị Nga, nhiều hộ dân sinh sống ở tầng trên tại khu tập thể đều đồng tình với chủ trương cải tạo của TP Hà Nội, tuy nhiên, cũng có những hộ dân có kiốt kinh doanh, cho thuê mặt bằng dưới tầng 1 vẫn chưa đồng thuận, lo lắng phương án đền bù chưa thỏa đáng nên họ không muốn di dời đi nơi khác.
"Nhiều hộ dân ở khu tập thể Nghĩa Tân dù diện tích ở thực chỉ có khoảng 10 - 15m2 nhưng diện tích cơi nới đang lên đến 30 - 40m2, gia đình có 2 - 3 thế hệ cùng chung sống. Nếu xây chung cư lên, nhiều người dân tại đây mong muốn chính quyền, chủ đầu tư cũng nên cân nhắc, bố trí cho các hộ dân ở đây đủ diện tích để sinh sống" - bà Nga nói.
Tương tự, bà Nguyễn Nguyệt Minh (sinh sống ở tổ dân phố số 1, khu tập thể Nghĩa Tân) cho biết, do nhiều hộ gia đình cơi nới chuồng cọp đã khiến kết cấu nhà chung bị phá vỡ, riêng tổ dân phố số 1 (khu tập thể Nghĩa Tân) gồm 4 tòa nhà là A8, A9, A10, A11 có khoảng hơn 400 hộ dân.
Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại tập thể cũ
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận trung tâm. Hiện nay, các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và độ an toàn.
Từ thực tế trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4206/QĐ-UBND, phê duyệt dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, thuộc địa giới hành chính phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Giá trị dự toán lập quy hoạch là hơn 1,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm: chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch; chi phí lập đồ án quy hoạch, chi phí thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch...
Trao đổi với Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%.
Theo ông Nghiêm, cần phải xem xét việc cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết chứ không phải cần thiết, đồng thời, trong quá trình thực hiện nên xác định rõ mức độ quan trọng của công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D (cấp độ nguy hiểm), nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.