Ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm đã cảnh báo do ảnh hưởng của pha trung tính nghiêng về LaNina nên mùa mưa năm nay đã được cảnh báo từ rất sớm (tháng 3.2017) sẽ là mùa mưa ác liệt hơn, mưa bão, lũ nhiều hơn. Nếu so với 3 năm liên tiếp (2014-2016), thì năm nay sẽ mưa nhiều và đặc biệt mùa mưa sẽ kéo dài và kết thúc muộn. Tháng 10 năm nay được nhận định là sẽ có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Hiện giờ vẫn đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão, tuy nhiên phải thấy rằng những biểu hiện của mùa mưa bão năm nay có thể thấy được sự dị thường với những biểu hiện đó là: Mưa đến sớm, kéo dài. Mùa mưa năm nay thể hiện rõ ràng khi các tháng 7, 8, 9 các tỉnh Bắc Bộ đều có lượng mưa cao hơn trung bình lượng mưa cùng thời kỳ nhiều năm; xuất hiện nhiều vùng mưa cực đoan; những cơn bão ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu lại chỉ tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Từ cơn bão số 1, cơn bão số 2, áp thấp nhiệt đới sau đó, bão số 10, đợt áp thấp nhiệt đới ngày 9-11.10 và tới cơn bão số 11 cũng đang dự báo hướng vào khu vực này. Trong khi Bắc Bộ chỉ có một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng, nhưng mưa lại rất lớn, nhiều hơn mức trung bình.
Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao mùa bão năm nay có những bất thường?
- Một trong những nguyên nhân gây lên mưa lũ nhiều trong nửa cuối năm 2017 được đánh giá là gió mùa tây nam cùng với áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương và tín phong đông bắc hoạt động mạnh hơn mọi năm. Hệ quả là dải hội tụ nhiệt đới cũng xuất hiện với tần suất cao, tồn tại trong thời gian dài kéo theo sự hình thành của các xoáy thuận nhiệt đới cũng gia tăng (điều này đã được cảnh báo trong dự báo mùa từ hồi giữa tháng 4).
Một nguyên nhân nữa cũng cần xét đến là xu thế lạnh đi rõ rệt của nhiệt độ mặt nước biển khiến hiện tượng ENSO tuy vẫn chưa đạt được đến ngưỡng La Nina, nhưng cũng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ của chế độ hoàn lưu trong khí quyển, điều này cũng là một nguyên nhân gây lên sự bất ổn định và các nhiễu động ở trên vùng biển Thái Bình Dương. Tác động của những biểu hiện này đã gây diễn biến mưa lũ phức tạp trên cả 3 miền, riêng Nam Bộ còn có sự kết hợp của hiện tượng triều cường mạnh trong đầu tháng 10 gây ngập lụt nghiêm trọng.
Thưa ông, cơn bão số 11 có tên gọi Khanun đang di chuyển nhanh vào đất liền nước ta. Ông có thể cho biết về mức độ nguy hiểm của cơn bão này?
- Sáng ngày 13.10, bão Khanun đã vượt qua đảo Ludong và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 11 của năm 2017. Dự báo cơn bão này sẽ di chuyển theo hướng Tây, tốc độ trung bình 15-20km, khả năng cao ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 16.10.
Mối nguy hiểm nhất cơn bão này khi đổ bộ đó là sẽ kết hợp gió mùa đông bắc tràn về nên gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ trong các ngày 16-17.10. Nhận định chung về cường độ bão có khả năng mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (cấp 12-13, giật cấp 15) sau đó sẽ suy yếu dần trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam và đất liền nước ta do tương tác với địa hình và bị ảnh hưởng của không khí lạnh.
Sau bão thường xảy ra các rủi ro thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ông có thông tin gì để giúp người dân phòng tránh?
- Lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố và thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi với các đặc điểm thuận lợi cho hình thành như: Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn nhất là các lưu vực có độ dốc lớn, độ ổn định của lớp đất mặt yếu do quá trình phong hoá mạnh, độ che phủ của thảm thực vật thấp do bị tàn phá mạnh tạo điều kiện tập trung hình thành dòng chảy dồn vào các sông suối, lượng nước tích tụ ngày càng nhanh và tạo ra thế năng rất lớn gây ra lũ quét. Sự xuất hiện của lũ quét thường chỉ trong vài giờ sau khi có mưa với cường độ lớn...
Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở các vùng núi, với quy mô không lớn nhưng chưa thể dự báo được chính xác. Công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính. Người dân phải luôn có sự chủ động, cảnh giác và chuẩn bị phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất như sau: Người dân không nên làm nhà ở và sinh sống tại những nơi thường có lũ quét xảy ra như sườn núi, sườn dốc, nơi gần dòng chảy và có độ dốc cao.
Khi có mưa lớn hoặc có những thông tin cảnh báo về mưa, lũ lớn, nên tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đặc biệt khi có mưa lớn. Chủ động, thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ trên vô tuyến, đài hoặc loa phóng thanh, các phương tiện truyền thông. Khi thấy các dấu hiệu bất thường như nghe thấy tiếng động hay nhìn thấy nước chuyển màu đục… thì nên thông báo cho những người xung quanh để kịp thời ứng phó.
Người dân nên chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực đất cao hơn để trú ẩn, bảo vệ tính mạng mình trước tiên, chứ không phải là tài sản. Không được bơi lội qua sông, suối nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường (nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần, có nhiều củi, rác kéo theo dòng chảy). Hạn chế đi lại qua sông, suối ngay sau lũ xảy ra. Không cho trẻ em đùa nghịch hoặc đi lại ở gần những nơi vừa xảy ra lũ quét...
- Xin cảm ơn ông!