Vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, quý I/2021 kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng 4,48%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng cao, xuất siêu đạt 2,79 tỉ USD, giải ngân FDI tăng trở lại, đầu tư tư nhân và tiêu dùng cải thiện đáng kể. Lạm phát ổn định, bình quân quý I/2021 là 0,29%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu cả năm khoảng 4%.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết: “Chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ".
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.
Ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ so với cuối năm 2020.
“Bóng ma” lạm phát đè nặng
Theo giới chuyên gia, áp lực lạm phát lớn gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất. Do mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức rất thấp nên đã xuất hiện hiện tượng dòng tiền dịch chuyển giữa các kênh đầu tư, trong đó có sự dịch chuyển dòng tiền sang kênh bất động sản, chứng khoán...
“Có nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát năm nay. Đầu tiên là chính sách siêu nới lỏng tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Thứ hai là giá dầu thế giới đang trong xu hướng tăng. Ngoài ra còn những rủi ro khác như các cú sốc ảnh hưởng tới nguồn cung… Trong khi áp lực đến từ thị trường trong nước cũng khá lớn do tổng cầu phục hồi, việc hỗ trợ giá điện đã kết thúc” - TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế đánh giá.
Đồng quan điểm trên, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - cũng nhận định, áp lực lạm phát năm nay khá lớn. Lý do là giá dầu được dự báo sẽ tăng khoảng 30% trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của thế giới tăng. Giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu cũng có xu hướng tăng do cầu tiêu dùng phục hồi…
“Chúng tôi không chủ quan với lạm phát, mặc dù vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Căn cứ mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 16.4.2021, tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020” - ông Phạm Thanh Hà cho biết.
Điều hành tỉ giá linh hoạt
Thách thức đối với NHNN không chỉ là câu chuyện lạm phát, lãi suất mà còn là vấn đề tỉ giá.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, tỉ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Trong thời gian qua, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN tiếp tục duy trì ổn định tỉ lệ dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ; điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của NHNN và nhu cầu vốn của tổ chức tín dụng” - ông Phạm Thanh Hà nói.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Trong thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm đó là tạo điều kiện đảm bảo sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung hỗ trợ cho dòng vốn tín dụng đầu tư vào những lĩnh vực khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ cho những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nhiều của dịch.
Ngoài ra, NHNN cũng sẵn sàng đối phó với những tình huống có thể phát sinh trong năm 2021. Chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN cũng sẽ sẵn sàng với quan điểm là khẩn trương kịp thời ứng phó trong mọi lĩnh vực cũng như tăng cường khả năng dự trữ, dự phòng kể cả trong hạn mức tín dụng cũng như dự phòng nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết”.