Vẫn không tìm được “thủ phạm”
Sáng ngày 5.4, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), bé gái học lớp 5 tại phường Vĩnh Trường được xác định đã tử vong. Cùng thời điểm, trên địa bàn phường có nhiều học sinh cấp tiểu học, trung học phổ thông có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Trước khi tử vong, bé gái ăn sushi, cơm gà tại một số cơ sở bên ngoài.
Đầu tháng 4.2024, cũng tại tỉnh Khánh Hoà, Sở Y tế thông tin một vụ ngộ độc cơm gà khiến 10 học sinh phải nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói. Số học sinh này có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn cơm gà bán gần Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang). Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm.
Trước đó, vào tháng 3.2024, tỉnh Khánh Hoà đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng tại quán cơm gà Trâm Anh khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị. Các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà tại đây vào trưa, chiều ngày 11 và 12.3.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, quán cơm gà Trâm Anh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của 3/6 nhân viên. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân, khiến hàng trăm người ngộ độc sau khi ăn cơm gà tại đây.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết: Không đủ cơ sở để xác định thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc. Kết quả phân tích các món ăn trong bữa ăn cho thấy, tỉ lệ tấn công các món ăn tương đối bằng nhau. Sự chênh lệch tỉ lệ tấn công giữa người ăn và không ăn các món trong bữa ăn trưa, chiều ngày 11 - 12.3 không cao. Điều này cho thấy, các món ăn trên khay thức ăn có thể nhiễm chéo lẫn nhau.
Do đó, không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân; chỉ có thể nhận định: Thức ăn nguyên nhân là cơm gà (gồm các món: cơm, gà xé, gà nướng, mắm, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh). Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm: do vi sinh vật (vi khuẩn: Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).
Gần đây nhất vào ngày 3.4 tại Bình Dương, sau khi ăn bánh mỳ, bánh bao của người dân phát miễn phí, nhiều người trong Đoàn Lân sư rồng tại Lễ hội Ông Bổn ở Bình Dương có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP Thuận An, có 49 ca nhập viện với triệu chứng ban đầu là ói, đau bụng, tiêu chảy...
Ngộ độc đến từ nhiều nguy cơ
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết: Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cũng cho rằng, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.
Theo Bộ Y tế, trong tháng 3.2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, trên toàn quốc đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023).