Nhà nhà nâng nền để tránh ngập
Sau 3 lần nâng nền nhưng nước ngập vẫn vào nhà, anh Thái Vân Sang (40 tuổi) đã quyết định nâng hẳn nền lên 1,2 m - là một trong những hộ dân nâng cao nhất trên đường này.
Theo anh Sang, đường ngập từ những năm 90, đến khoảng năm 2000 được nâng để chống ngập. Như nhiều hộ khác, nhà anh thấp hơn mặt đường nên mưa xuống, nước tràn vào. "Đến nay, tôi nâng nền 3 lần rồi, gần nhất cách đây 10 năm, tốn gần trăm triệu đồng để sửa cả trần nhà cho cao hơn" - anh Sang nói.
Tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Hường (77 tuổi) sau ba lần nâng nền cũng cao hơn mặt đường 80 cm. Để dễ dắt xe ra vào, bà Hường thiết kế bậc tam cấp có thể gấp lại, không chiếm diện tích vỉa hè. "Nhà tôi chỉ có hai ông bà già nên đi lại rất khó khăn với cái dốc cao này” - bà Hường thở dài.
Nền nhà thấp nhất ở đường Dương Văn Cam cũng đã cao hơn mặt đường tầm 50 cm, cao nhất khoảng 1,2 m. Tại những con hẻm ở Dương Văn Cam, người dân phải qua gờ dốc do mình tạo ra để có thể vào nhà. Mỗi năm, độ cao của những gờ dốc này lại mỗi tăng để ngăn nước ngập.
Nâng nền cũng không thể giải quyết được vấn đề
Mỗi khi trời mưa là mọi công việc của các hộ dân trên đường Dương Văn Cam phải tạm dừng. Nhà phải đóng cửa để tránh việc xe lớn đi ngang, tạo sóng đánh nước vào trong nhà. Hộ khác thì lo che chắn để tránh nước ngập.
Ông Hà Thanh Long (60 tuổi) vừa chỉ vào một tấm tôn cao khoảng 70 cm vừa nói: “Nhà tôi đã nâng nền 3 lần rồi. Bây giờ không thể nâng tiếp được do trần đã quá thấp, đi sẽ đụng đầu. Vì vậy, mỗi khi có mưa lớn, tôi sẽ hạ tấm tôn đó chắn ngang cửa để giúp giảm nước và rác trôi vào nhà.”
Bà Trung - vợ ông Long - ngán ngẩm với cảnh nước lên: “Tấm chắn này cũng nặng lắm. Một mình tôi khuân không có nổi. Mỗi lần chồng không có ở nhà, tôi lại phải chạy qua nhờ hàng xóm hạ giúp”.
Trong khi đó, ông Dương Văn Khôi (57 tuổi) chia sẻ: “Thuê nhà 15 năm cũng là khoảng thời gian sống chung với nước ngập. Mỗi mùa mưa ngập, chỉ cần một chiếc xe máy đi qua là nước đẩy thẳng vào nhà khiến đồ đạc ướt hết. Mỗi lần như vậy dọn dẹp rất cực. Chi phí nâng nền cũng không phải là ít, hơn nữa còn là nhà thuê nên không thể nâng nền”.
Theo người dân, khu vực này có địa hình khá trũng, thấp nên trời mưa nước từ các nơi đổ về gây ngập. “Mỗi khi có mưa to, nước thoát không kịp sẽ ngập cao hơn cả yên xe máy, có khi còn chỉ thấy mỗi đầu xe. Do ở đây là khu vực thấp nhất nên nước từ đường Võ Văn Ngân, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân đều đổ dồn về. Trời mưa to và liên tục thì tuyến đường này như biến thành sông” - ông Nguyễn Văn Chung (71 tuổi) cho hay.
Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng), ngoài đường Dương Văn Cam, khu vực gần chợ Thủ Đức có nhiều tuyến đường cũng thường xuyên bị ngập nặng do mưa như: Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân…
Nguyên nhân do hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, cống quá tải khi mưa lớn không đảm bảo khả năng thoát nước. Đường trũng thấp, cục bộ so với khu vực xung quanh.
Giải pháp cấp bách để chống ngập cho các tuyến đường này là thường xuyên duy tu nạo vét hệ thống thoát nước, đặc biệt tuyến cống tại các cửa xả. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng vớt rác trước, trong và sau mưa, tháo dỡ các tấm chặn do người dân đặt trước các miệng thu nước.
Giải pháp căn cơ là ngoài việc triển khai cải tạo hệ thống thoát nước tại mỗi tuyến đường thì cần đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng mới cống rạch Cầu Ngang và nạo vét cải tạo rạch Thủ Đức.