Nhà ở xã hội cho công nhân còn bỏ ngỏ
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 7.342.969m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909m2 sàn, đạt tỉ lệ 36% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở. Trong khi đó, lượng công nhân trên cả nước ước tính 4,8 triệu người. Hơn 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây.
Ghi nhận của PV Lao Động tại tòa nhà CT1B, CT1A nơi dành cho công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho thấy nhu cầu của công nhân là rất lớn. Cả hai tòa đã kín cư dân, phần lớn là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Quang Minh.
Chị Nguyễn Thị Phương (một công nhân đang thuê tại tòa CT1B) chia sẻ, cách đây 4 năm hai vợ chồng chị thuê căn nhà hơn 50m2 với giá thuê 24.000 đồng/m2. Tuy nhiên, mới đây giá thuê nhà lại được nâng lên 30.000 đồng/m2. “Công nhân chúng tôi lương tháng cũng không nhiều, đủ chi tiêu trong tháng. Nên việc tiền nhà tăng thêm là một nỗi lo. Chúng tôi mong muốn có cơ chế để hỗ trợ người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp như chúng tôi” - chị Phương nói.
Trước khó khăn này, Bộ Xây dựng tích cực tạo nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở công nhân từ nguồn lực tài chính đến nguồn lực từ tổ chức công đoàn. Liên quan đến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Tổng LĐLĐVN phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Khải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn - cho rằng, theo đề nghị của Tổng LĐLĐVN, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đầu tư xây xựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Theo ông Khải, mục tiêu của Đề án là đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và để tổ chức công đoàn nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong các mối quan hệ chính trị giữa Đảng, chính quyền và công đoàn, đây cũng là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới.
Vướng mắc dần được tháo gỡ
"Tổng LĐLĐVN đã thực hiện đầu tư thí điểm 01 dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. Tính đến nay, Tổng LĐLĐVN đã hoàn thành việc thi công xây lắp các công trình, gồm: Nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 05 block nhà chung cư 5 tầng với 244 căn hộ thuộc giai đoạn 1 của dự án, mỗi căn hộ có diện tích từ 30m2 đến 45m2 đã hoàn thành trong giai đoạn 1 để cho công nhân thuê. Giá cho công nhân thuê các căn hộ thuộc thiết chế công đoàn sẽ được ưu đãi, thấp hơn giá thị trường ít nhất 30%, phù hợp với thu nhập của đoàn viên" - ông Khải nói.
Cũng theo vị này, sau hơn 3 năm thực hiện, Tổng LĐLĐVN đã triển khai được một khối lượng công việc rất lớn như: Xin được hơn 40 khu đất từ 3ha-50ha có vị trí đẹp, đã được đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án thiết chế công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động tổng kết, đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh để triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, ngày 12.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung quyết định này, hầu hết các vướng mắc khó khăn về chủ thể được giao đất, ký hợp đồng bán, cho thuê căn hộ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để triển khai đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn đã được tháo gỡ, làm cơ sở để Tổng LĐLĐVN triển khai thiết chế công đoàn rộng rãi trên địa bàn cả nước.
Mặc dù vậy, theo vị này trong quá trình thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia. Việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, bán chịu sự ràng buộc của nhiều bộ luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản… Một số nội dung trong các luật còn chưa thống nhất nên rất khó triển khai trong thực tế.
Từ đó, ông Khải cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về nhà ở, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương thức làm việc và cần tinh gọn hơn trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Tiếp tục đẩy mạnh và có giải pháp đột phá để khuyến khích, thu hút các nguồn vốn, nhà đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân lao động là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và hết sức nhân văn, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật thể hiện sự quan tâm sâu sắc, giải quyết các vấn đề về nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp tuy nhiên, việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. “Việc đưa ra giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tới giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội cho các dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân là yêu cầu bức thiết” - ông Khải nhấn mạnh.