Cấm mở quán sau 21h có ý nghĩa gì?
Anh Nguyễn Khoa (30 tuổi) – quản lý một nhà hàng trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà hàng do anh quản lý luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo anh Khoa, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h là không có ý nghĩa trong công tác chống dịch.
“Thời điểm dịch bệnh, phần lớn các hàng quán đều thực hiện tốt việc phòng dịch thì quy định cấm này trở thành vô lý. Điều đó gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các quán ăn, nhà hàng bởi trước đó loại hình dịch vụ ăn uống đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau thời gian dài gồng mình vì dịch bệnh”, anh Khoa nói.
Anh Khoa kể, số lượng người tập trung ăn uống tại nhà hàng buổi trưa hay buổi tối gần như tương đương nhau, công tác phòng chống dịch tại quán không có sự thay đổi. Ngoài ra, khoảng thời gian 20h-21h nhiều người khi đó mới đi ăn, việc cấm như vậy sẽ khiến khách hàng gặp nhiều trở ngại.
"Nhà hàng phục vụ khách ít nhất phải được 1 tiếng, nên chỉ nhận khách muộn nhất là 20h. Rất nhiều khách hàng gọi trước, nhưng do nhà hàng thông báo chỉ mở được đến 21h nên họ không qua nữa. Khách vốn dĩ đã ít, nay còn ít hơn", anh Khoa chia sẻ.
Cũng đồng tình với ý kiến của anh Khoa, anh Lê Bá Sơn (39 tuổi) quản lý một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc lây lan dịch ra cộng đồng trước hay sau 21h đều như nhau.
“Trước hay sau 21h thì nhà hàng cũng không đông khách do dịch bệnh, họ được sắp xếp ngồi những khu vực riêng, công tác phòng dịch vẫn giữ nguyên và tuân thủ quy định. Việc đóng cửa trước 21h cũng có thể khiến lượng khách sẽ tập trung ăn uống vào khung giờ cao điểm nhiều hơn, tăng khả năng lây nhiễm", anh Sơn nói.
Chia sẻ với Báo Lao Động, nhiều nhà hàng mong muốn được mở cửa đến 22h để có cơ hội được đón thêm nhiều lượt khách hơn. Nếu chỉ cho quy định đến 21h, nhà hàng gần như chỉ đón được một lượt khách nên các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống rất khó khăn trong việc chi trả mọi chi phí, đặc biệt đang trong thời điểm dịch bệnh, giá cả leo thang như hiện nay...
Dịch COVID-19 không lây lan vào ban đêm nhiều hơn ban ngày
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc dịch lây nhiễm rộng hay không là phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân người dân chứ không phụ thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm.
Theo ông Hùng, việc hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21h hàng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống đông hơn vào trước khung giờ cấm. Điều đó có thể làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm đi nếu bỏ quy định cấm sau 21h.
"Với người Hà Nội, thời điểm 21h vẫn là "rất sớm", đây là khung giờ mà nhiều người dân mới ra đường để ăn uống, mua sắm. Đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu chính quyền cấm ăn uống sau 21h, họ lại dồn ra đường sớm hơn, không làm giảm khả năng lây nhiễm", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, Hà Nội có thể lùi thời gian cấm từ 21h lên 22h, bởi "dịch COVID-19 không lây lan vào ban đêm nhiều hơn ban ngày", quan trọng là do ý thức của người dân và trách nhiệm của chủ các cửa hàng, quán ăn.
"Dù cơ bản đã được tiêm 2 mũi vaccine, nhưng người dân cũng không được chủ quan, lơ là. Công tác phòng chống dịch có hiệu quả hay không, một phần dựa vào chính ý thức của nhân dân là rất lớn", ông Phu nhận định.
Theo các chuyên gia, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, vốn đã lao đao sau chuỗi ngày bấp bênh đóng-mở vì dịch bệnh.