Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn phức tạp, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM, mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương; Các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Hiện nay các cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống chiếm đến gần 75% thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam. Hàng triệu nhân viên bán hàng, phân phối hàng hóa thiết yếu đang có nguy cơ mắc COVID-19 khi số ca mắc mắc tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó là người thân, gia đình của họ cũng đang bị đe dọa bởi nguy cơ dịch bệnh, nếu không có những biện pháp kiểm phòng kịp thời, rất có thể một mầm bệnh lây lan cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố để hàng hóa lưu thông, không bị ách tắc.
Trên địa bàn TP.HCM ước tính có khoảng 40.000 điểm cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Những điểm bán này đang là nguồn cung cấp mặt hàng nhu yếu phẩm và bảo đảm đời sống sinh hoạt hàng ngày của hơn 9 triệu người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố.
Để giữ cho hoạt động được diễn ra bình thường và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm xáo trộn đời sống người dân, hàng nghìn nhân viên bán hàng của các công ty đang hoạt động hết công suất, duy trì đủ nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Nhu cầu ngày càng cấp thiết hơn khi thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Chính phủ từ ngày 31.5 đến nay.
Với đặc thù của ngành hàng tiêu dùng nhanh, một nhân viên bán hàng phải bán và giao hàng từ 25 đến 30 điểm bán mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên phải tiếp xúc với hàng chục người khác nhau trong một ngày. Điều đó làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh và gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Phấn đấu đến cuối năm tiêm vaccine COVID-19 hết cho người dân
Hiện TP.HCM đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn thành phố, với các đối tượng ưu tiên là những người đang làm việc tuyến đầu, người làm việc tại các khu công nghiệp và một số lĩnh vực thiết yếu khác như hàng không, ngân hàng hay siêu thị...
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lần này là phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vaccine phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và công bằng, công khai.
Việt Nam mong muốn tiêm chủng cho tất cả mọi người, tuy nhiên do khan hiếm vaccine nên hiện nay ưu tiên tiêm cho người dân ở các vùng dịch, cho lực lượng tuyến đầu…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc phân bổ vaccine cho các địa phương được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch như ưu tiên cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, có yếu tố nguy cơ lây nhiễm, đang có dịch và địa phương tập trung cho phát triển kinh tế.
“Chúng ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân, hoặc có thể sang đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu đến năm 2023 đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.