Bệnh viện phong Văn Môn (hay còn gọi là làng phong ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là nơi bao dung, che chở biết bao người mắc bệnh phong trong hơn một trăm năm qua. Nhắc đến viện phong, người ta vẫn thường kể về những người khốn khó, những cảnh đời hẩm hiu. Nhưng ít ai biết rằng, ở nơi tận cùng của khổ đau lại có rất nhiều câu chuyện tình thật đẹp.
Ông Nguyễn Văn Cần (78 tuổi, quê huyện Đông Hưng) và bà Đỗ Thị Nhị (79 tuổi, quê huyện Thái Thụy) cùng vào làng phong từ những năm 1972. Khi đó, cả 2 ông bà chỉ mới ngoài đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
"Tôi được gia đình đưa vào đây để điều trị, tưởng chừng như thanh xuân chấm dứt, tương lai không còn nữa. Thế nhưng, chúng tôi, những mảnh đời bất hạnh nơi này đã tìm đến với nhau, an ủi nhau từ trong chính điều kiện khốn khổ mà cuộc sống mang đến. Để rồi tôi quen được bà ấy" - ông Cần kể.
Quen nhau vào năm 1981, sau đó, ông Cần và bà Nhị góp gạo thổi cơm chung. Không giấy tờ, không đăng ký kết hôn, hai ông bà sống hạnh phúc với nhau từ lúc đó đến bây giờ cũng đã hơn 40 năm, có những cãi vã nhưng cái tình vẫn hơn tất cả. Biết mình không được may mắn như những người khác, hai ông bà đồng cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Ông Cần cười nói, chia sẻ với chúng tôi: "Thương tình cho bà Nhị vì không được minh mẫn nên tôi đã giúp đỡ, chăm sóc cho bà ấy. Từ ngày tôi về cùng phòng với bà, chuyện vui buồn chúng tôi đều kể cho nhau nghe. Mỗi khi tôi có đồ ăn gì ngon là tôi lại phần cho bà ấy ăn trước".
Bà Bùi Thị Lan (hộ lý Bệnh viện da liễu Thái Bình) cho biết: "Ông Cần và bà Nhị là một trong số những cảnh đời bất hạnh, khốn khổ nên duyên với nhau nơi viện phong này. Bà Nhị không được minh mẫn nhưng qua ánh mắt và hành động ai cũng đều cảm nhận được yêu thương của bà dành cho ông Cần. Được mọi người biết đến là một đôi nhưng họ không đám cưới, không con cái, không giấy tờ, không danh phận... sống với nhau chỉ có tình yêu và trách nhiệm".
Tuy đã ở tuổi già nhưng đến nay, ông Cần vẫn là điểm tựa tinh thần, người đồng hành đầy tin tưởng, mạnh mẽ cho bà Nhị. "Hoàn cảnh bệnh tật như chúng tôi người nhà nhìn thấy còn sợ hãi nên chúng tôi nương tựa vào nhau, chăm lo cho nhau để cùng nhau vượt qua nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi chỉ mong bà ấy luôn bình an, mạnh khỏe để cùng tôi vượt qua những khó khăn này" - ông Cần nghẹn ngào.