Ông Trương Xuân Tý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, mực nước trên các sông đang ở dưới báo động 1. Sau trận mưa lớn hồi đầu tuần thì đến nay nước đã rút ở các địa phương, không còn nơi ngập lụt. Các hồ thuỷ điện trong ngày 12.10 đã thực hiện xả nước, hạ mực nước hồ xuống thấp nhất để đón đợt mưa lớn lần này.
“Riêng với các huyện miền núi như Nam Trà My, từng địa phương sẽ chủ động tích trữ lương trực theo nhu cầu để phòng trường hợp mưa lớn gây sạc lở, cô lập” – ông Tý cho biết.
Cùng ngày, UBND xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam cho biết, điểm sạt lở gây cô lập 150 hộ dân hôm qua (13.10) đã được khơi thông. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong thời gian có mưa lớn và đợi các lực lượng dọn sạch đường, người dân sẽ di chuyển bằng thuyền nếu có nhu cầu mua lương thực thực phẩm.
Theo dự báo, từ nay đến ngày ngày 16.10, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa các địa phương phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 200-300mm, phía Nam của tỉnh phổ biến từ 300- 450mm, có nơi trên 600mm. Các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra mưa lớn, độ ẩm đất đã đạt trạng thái gần bão hòa, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và ngập úng tại vùng trũng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan đề cao cảnh giác, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm.
Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, tháo dỡ kịp thời các vật cản lớn gây nguy hiểm trên sông, suối.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.