Quảng Ngãi: Người dân vùng rốn lũ xây nhà tầng cho gia súc

Ngọc Viên |

Một trận lũ lịch sử khiến hàng nghìn trâu, bò của người dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi bị cuốn trôi, chết. Để không trắng tay khi “đầu cơ nghiệp” trôi theo con nước lũ, nông dân ở huyện Nghĩa Hành quyết đầu tư tiền xây “nhà lầu” cho gia súc tránh lũ.

Người sống nhà trệt, bò ở “nhà lầu”

Bà Nguyễn Thị Chi ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông đang nuôi 5 con bò 3B. Đây cũng là tài sản lớn nhất của gia đình bà. Cạnh bên căn nhà cấp 4 của bà Chi là chuồng bò được xây dựng với kết cấu bêtông hai tầng kiên cố, cùng cầu thang bêtông dẫn lên tầng 2.

Bà Chi cho hay, năm 2013, một trận lũ lịch sử khiến nhà tôi ngập lút nóc. Tôi lùa đàn gia súc đi chạy lũ, thì suýt bị nước cuốn trôi, bởi vậy, sau trận lũ, gia đình đầu tư 25 triệu đồng xây một chuồng bò 2 tầng. Từ đó đến nay, mỗi khi có lũ lớn, tôi dắt bò lên tầng 2, không còn lo lắng cho đàn gia súc khi có bão lũ lớn.

Có “nhà lầu” tránh lũ cho gia súc, bà Chi mạnh dạn đầu tư thêm tiền, vừa nuôi bò sinh sản, vừa mua bò con về vỗ béo rồi bán lại. Bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 5-6 con (tùy theo giá thị trường, từ 20-30 triệu đồng/con), trừ chi phí cũng lãi được một khoảng kha khá.

Ông Trịnh Bê - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông - cho biết, xã có khoảng 1.200 hộ dân thì 80% người dân nuôi bò (khoảng 2.000 con). Hộ nuôi ít cũng 3-4 con, nhiều thì 10-12 con. Ngoài trồng lúa, mì, trâu bò được xem là nguồn sinh kế chính giúp người dân phát triển kinh tế.

Sống chung với… lũ

Năm nào Quảng Ngãi cũng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là vùng nằm gần các con sông lớn. Hằng năm, lũ lụt luôn gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, trong cái khó, ló sáng kiến, mô hình xây “nhà lầu” bảo vệ gia súc ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều.

Chủ động thích ứng linh hoạt với thiên tai, giúp người dân vượt qua nhiều cơn lũ lớn mà nguồn sinh kế vẫn đảm bảo. Huyện Nghĩa Hành là địa phương có số “nhà lầu” cho gia súc, gia cầm nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Ninh, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông chia sẻ, lũ lớn năm 2013, tại xã Hành Tín Đông cuốn trôi cả nghìn con gia súc, gia cầm. Nhà tôi bên sông Vệ nên, mỗi năm phải đối mặt với 3-5 đợt lũ lớn. Để bảo vệ đàn gia súc, năm 2013, tôi đầu tư 40 triệu đồng để xây chuồng trại 2 tầng. Nhờ đó mà gần 10 năm qua, đàn gia súc, gia cầm của gia đình đều an toàn trước những cơn lũ lớn. Ở đây nhà nào mà chăn nuôi cũng ráng xây “nhà lầu” cho gia súc.

Ngoài làm “nhà lầu”, người dân ở huyện Nghĩa Hành còn đầu tư hàng chục triệu đồng để làm bè nổi cho gia súc, gia cầm tránh lũ.

Ông Lương Văn Nam ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Phước cho biết, tôi làm bè nổi cho gia súc hết hơn 20 triệu đồng. Số tiền tuy lớn nhưng vẫn phải đầu tư. Tới mùa mưa lũ là tôi chuẩn bị sẵn rơm rạ, khi có lũ là đưa bò, heo và gà vịt lên đó trú. Bè nổi của gia đình chứa 3 con bò, khoảng 8 tạ, 8 con heo khoảng từ 60-75kg/con cùng rất nhiều vật dụng trong gia đình.

Theo ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, trước đây, khi chưa có mô hình xây nhà cao cho gia súc tránh trú khi lũ về, người dân bị thiệt hại rất lớn. Chỉ riêng đợt lũ năm 2013, toàn huyện đã có hơn 1.000 con trâu bò, hơn 4.700 con heo và hàng chục nghìn gà vịt chết. “Những năm gần đây, người dân ở nhiều xã vùng trũng thấp trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên cao, nên khi lũ về đã giảm thiểu được thiệt hại. Đây là cách làm phát huy hiệu quả rất tốt. Huyện sẽ cho nhân rộng mô hình này" - ông Sâm khẳng định.

Ngọc Viên
TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống của người dân vùng rốn lũ Quảng Trị giữa mênh mông biển nước

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Đến ngày 16.10, tại tỉnh Quảng Trị không còn các đợt mưa to diễn ra như ngày 14.10 và 15.10. Mực nước trên các sông từ chỗ trên mức báo động 3, nay cũng hạ xuống. Tuy nhiên, nhiều khu dân cư tại các huyện đồng bằng vẫn còn bị nước lũ vây quanh, nhưng cuộc sống đã trở lại thường nhật, vì dân vùng rốn lũ quá quen với việc này.

Hà Tĩnh: Vì sao một số hộ dân vùng rốn lũ ngại về khu tái định cư?

TRẦN TUẤN |

HÀ TĨNH - Khu tái định cư phòng chống ngập lụt cho người dân xã Phương Mỹ (nay là xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) cơ bản hoàn thành nhưng hồ sơ đăng ký của người dân vẫn thấp hơn so với dự kiến.

Đồng bào vùng rốn lũ vui mừng đón cái Tết đầu tiên tại khu tái định cư

PHI LONG - HỮU LIỀU |

QUẢNG BÌNH - Cách đây không lâu, vào cuối năm 2020 người dân bản Sắt (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã phải gánh chịu trận lũ và sạt lở lịch sử. Sau muôn vàn gian khó, năm nay là một năm đặc biệt khi bà con bản Sắt đã có cho mình nơi ở mới để đón Tết Nhâm Dần 2022.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

So sánh hình ảnh TP Yên Bái hiện tại và thời điểm bão lũ lịch sử

Trần Bùi - Vũ Bảo |

Trận đại hồng thủy đã đi qua TP Yên Bái gần 10 ngày, hiện nước đã rút, đường đã khô, cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.