Theo đó, ngày 3.11.2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung 6 xã A Dơi, A Xing, A Túc (huyện Hướng Hóa) và A Bung, Ba Nang, Tà Long (thuộc huyện Đak Rông) được hưởng phụ cấp đặc biệt mức 50%.
Cũng tại công văn này, Quảng Trị đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp đặc biệt từ 30% lên 50% đối với các xã Xy, Hướng Việt, Thuận (huyện Hướng Hóa) và A Vao (huyện Đak Rông). Đến 17.11.2017, Bộ Nội vụ tổ chức buổi làm việc có sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Quảng Trị để xem xét đề nghị nói trên.
Tiếp đó, đến ngày 4.12.2017, Bộ Nội vụ yêu cầu Quảng Trị bổ sung hồ sơ để xem xét sửa đổi, bổ sung phụ cấp đặc biệt. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã có giải trình cụ thể.
Đơn cử như xã A Bung của huyện Đak Rông, đây là xã miền núi, vùng cao, biên giới, vùng có đa số là người đồng bào thiểu số sinh sống, nằm ở độ cao 950m so với mực nước biển; có 18km đường biên giới giáp Lào, địa hình hiểm trở và bị chia cắt. Đặc biệt, ở nơi này không có đủ nước sinh hoạt và sản xuất, cách xa trung tâm huyện 70km nên đời sống của cán bộ công chức, viên chức và nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, xã A Bung giáp với xã A Ngo (huyện Đak Rông) và xã Hồng Thượng (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) và cả hai xã này đều được hưởng phụ cấp đặc biệt 50%. “Với những lý do trên, đề nghị bổ sung chế độ phụ cấp đặc biệt đối với xã A Bung với mức hưởng 50% để đảm bảo tương quan với các xã lân cận” – văn bản giải trình của UBND tỉnh Quảng Trị, nêu rõ.
Tương tự, đối với các xã Ba Nang, Tà Long (huyện Đak Rông) và A Dơi, A Xing, A Túc đều là nơi có đông người đồng bào thiểu số sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn và thuộc khu vực biên giới nên được đề nghị bổ chế độ phụ cấp đặc biệt 50%.
Đối với các xã như Xy, Hướng Việt, Thuận (Hướng Hóa) và A Vao (Đak Rông) được đề nghị tăng mức phụ cấp đặc biệt từ 30% lên 50% cũng nằm ở khu vực biên giới với nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước uống, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, cách xa trung tâm.
Theo tính toán, nếu đề xuất được chấp thuận, mỗi năm nhà nước chi trả khoảng 11,2 tỉ đồng phụ cấp đặc biệt bổ sung cho 6 xã và 2,88 tỉ đồng đối với việc tăng phụ cấp cho 4 xã.