Theo thông báo Bộ Tài nguyên Môi trường, để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, người dân sinh sống quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế.
Người dân cần tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng (đối với các hộ dân ở gần Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông); không sử dụng nước từ các bể chứa hở, thau rửa bể; tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên.
Sau khi thống kê sản phẩm hàng hóa, vật tư bị thiệt hại trong vụ cháy các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tính toán lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ và phạm vi ô nhiễm môi trường, nếu có.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí sau cơn mưa ngày 29 và 30/8 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều ở mức bình thường, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. "Tuy nhiên, sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân", Bộ đánh giá.
Bộ khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội để xử lý hậu quả môi trường sau sự cố, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, đồng thời tham vấn cơ quan quốc tế về việc này.
Trước đó ngày 29.8, UBND phường Hạ Đình (địa bàn giáp đám cháy) phát thông báo đến người dân về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Một ngày sau, phường ra quyết định thu hồi thông báo với lý do "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở".
Chiều 30.8, UBND quận Thanh Xuân thông tin kết quả test nhanh từ Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): các chỉ số thuỷ ngân, chì, kim loại nặng, vi khí hậu, bụi... đều trong ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, tối cùng ngày lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nói "chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thuỷ ngân nào".
Sáng 31.8, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân nói: "Kết quả dẫn trong thông cáo của quận là sơ bộ ban đầu đo bằng máy. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cung cấp cho quận tại cuộc họp chung, có biên bản làm việc. Họ cũng phải có trách nhiệm với thông tin này".
Sự bất nhất của các cơ quan chức năng khiến người dân không khỏi bối rối. Anh Phan Long (nhà sát đám cháy) bày tỏ lo lắng khi chính quyền liên tục thay đổi cảnh báo rủi ro: "Hôm kia phường vừa khuyến cáo rồi rút, sáng nay Bộ Tài nguyên lại đăng cảnh báo, tôi không biết tin vào đâu. Nước tưởng sạch cuối cùng cũng chả biết thế nào".
Sống trên tầng 18 chung cư ở phường Kim Giang, cách nhà máy bóng đèn Rạng Đông khoảng 700 m, anh Văn Hùng chia sẻ cảm giác hoang mang, không biết có nên đưa cả nhà bốn người đi sơ tán. Sau hồi phân tích, vợ chồng anh quyết định không đi vì "sống trên chung cư, ít ảnh hưởng hơn người ở mặt đất". Anh Hùng không được phổ biến gì về khuyến cáo, cũng như việc rút lại khuyến cáo bảo vệ sức khoẻ sau vụ cháy. "Chính quyền đã phản ứng chậm, không thông báo rộng rãi cho người dân biết để đề phòng", anh Hùng nhận xét.
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát lúc 18h ngày 28/8, kéo dài suốt 5 tiếng. Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.