Tai họa ập đến cướp mất đôi tay
Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vườn hoa cảnh của anh Sỹ ở địa chỉ số 143 đường Mai Thúc Loan (phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh) thêm đa dạng, xanh mướt, khoe sắc hơn để phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh, hoa Tết của người dân. Dù gắn lên mình đôi tay giả nhưng anh Sỹ vẫn miệt mài phun nước, cắt, tỉa, chăm sóc vườn cây một cách say sưa quên hết mệt nhọc.
Anh Sỹ sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Kỳ Hợp (nay là xã Lâm Hợp), huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ở xã miền núi, từ nhỏ đã gắn với núi rừng nên anh yêu màu xanh, yêu cây cối, thích khám phá sự khách biệt, chức năng, giá trị của mỗi loài cây, loài hoa. Học hết cấp 3, anh thi đậu vào Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với chuyên ngành Khoa học cây trồng. Tốt nghiệp Đại học năm 2012, anh vừa đi làm vừa học lên cao học. Năm 2015, anh hoàn thành học cao học, cầm trên tay tấm bằng thạc sỹ ngành khoa học cây trổng trở về quê nhà làm việc cho một dự án nông nghiệp.
Khoảng thời gian này, anh đã nên duyên với chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1992, quê ở phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh) cũng là một kĩ sư nông nghiệp chung trường Đại học với anh.
Cuối năm 2020, anh Sỹ được Học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu sang Nhật Bản làm việc theo chương trình phối hợp của trường này với đối tác. Sang đất nước “mặt trời mọc”, anh làm việc trong một nhà máy chế biến nông sản. Làm việc ở một đất nước phát triển, máy móc hiện đại, lại có thu nhập cao, tương lai, sự nghiệp của chàng thạc sỹ đã mở ra với niềm tự hào của bản thân, gia đình mà bao người mơ ước. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì tai họa đã ập đến với anh.
"Một ngày cuối tháng 1 năm 2022, trong lúc tôi đang vận hành máy sấy rau củ, do sơ ý tay phải của tôi bị cuốn vào guồng máy mắc kẹt. Trong đáu đớn, theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay trái vào để kéo tay phải ra thì cả 2 tay bị máy nghiền nát. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy mình không còn đôi tay nữa, tôi hoảng loạn, đau đớn, nghẹn ngào không thể tả nổi. Đến giờ mỗi lúc nghĩ lại vẫn còn ám ảnh, giật mình.” - anh Sỹ nhớ lại.
Lặng người một lúc, anh Sỹ kể tiếp, trong những tháng đầu điều trị ở bệnh viện, tập đi lại nhưng không có đôi tay, mất thăng bằng nên những bước đi của anh cũng khó khăn lắm.
“Nhiều lúc tôi nghĩ quẫn, định gieo mình từ tầng cao của bệnh viện xuống để kết thúc cuộc đời luôn nhưng được người thân, bạn bè, đồng nghiệp luôn gọi điện hỏi thăm và gửi quà chia sẻ lúc hoạn nạn, đặc biệt, được bác sỹ tâm lý điều trị tận tâm, nhiệt huyết, động viên, xốc lại niềm tin nên tôi dần quên đi buồn phiền, dần lạc quan lên” - anh Sỹ tâm sự.
Vợ anh Sỹ, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ rằng, thời điểm nhận được tin chồng bị tai nạn ở xứ người, chị bàng hoàng, lo lắng lắm nhưng không thể liên lạc được với chồng vì chồng đang nhập viện cứu chữa.
“Hôm liên lạc gọi điện qua ứng dụng messenger thấy chồng mất đi đôi tay, cả hai vợ chồng đều khóc nức nở, dù rất buồn nhưng rồi tôi cũng cố kìm nén cảm xúc, động viên chồng yên tâm điều trị, dù thân thể không lành lặn nhưng chỉ cần chồng còn sống, trở về được bên vợ con đã là may mắn rồi.” - chị Nhung nhớ lại.
Nhiều ngày sau đó, dù đang nuôi con thơ chưa đầy một nên miếng ăn, giấc ngủ thất thường nhưng đêm đến, chị Nhung luôn dành thời gian gọi điện trò chuyện với chồng hàng giờ đồng hồ, nhiều lúc nói chuyện đến gần sáng với mục đích “động viên chồng, gợi mở, bàn bạc tìm công việc phụ hợp trong tương lai sau tai nạn để chồng không nghĩ quẩn làm điều dại dột.”
Gieo mầm lạc quan qua “khu vườn hạnh phúc”
Điều trị ở bệnh viện Nhật Bản hơn một năm ròng, trở về nước vào tháng 6.2023 với đôi bàn tay giả nhưng được bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân chào đón, động viên nên anh Sỹ không còn mặc cảm về thân thể không lành lặn của mình nữa, nhất là khi anh được gặp vợ cùng 2 đứa con thơ, một trai 5 tuổi, một gái 2 tuổi rất đáng yêu.
Nghỉ ngơi chưa được bao lâu sau một cuộc “thập tử nhất sinh” ở xứ người, anh Sỹ bàn bạc với vợ rồi quyết định mở một vườn hoa cảnh để bán kiếm sống. Bởi công việc gieo trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh đúng chuyên môn được đào tạo bài bản của 2 vợ chồng.
“Ý tưởng mở một vườn hoa, cây cảnh được tôi ấp ủ từ khi còn nằm viện điều trị ở Nhật Bản. Bởi tôi muốn mỗi ngày thức giấc, không gian xanh mướt của vườn cây, hay những loài hoa khoe sắc đưa hương sẽ như liều thuốc bổ giúp cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng hơn, lạc quan, yêu cuộc sống hơn. Tôi xác định nó vừa là nghề kiếm sống nhưng đồng thời cũng là tình yêu, đam mê mà tôi tâm huyết, gửi gắm vào để quên đi phiền muộn.” - anh Sỹ chia sẻ.
Dù mang trên mình đôi tay giả, nhưng với nghị lực phi thường, anh Sỹ đã kiên trì rèn luyện và sử dụng đôi tay giả được lắp ráp bởi chuyên gia y tế Nhật Bản khá thành thạo cho sinh hoạt cá nhân, chăm sóc vườn cây, ngay cả việc sử dụng điện thoại di động, máy tính nhắn tin, trao đổi công việc, liên hệ khách hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... cũng được anh thao tác nhanh đến bất ngờ cho nhiều người lành lặn khi chứng kiến.
Đồng hành cùng chồng “xây” khu vườn hạnh phúc “Happy Garden”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng bỏ công việc nhân viên tại một trung tâm lưu trữ về đỡ đần với chồng, tập trung chăm sóc cây cảnh, vườn hoa, tiếp nhận hàng, giao hàng cho khách.
Không riêng gì chị Nhung, bố chồng chị là ông Tô Hữu Đằng dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng cũng luôn có mặt ở khu vườn cây cảnh của 2 con để hỗ trợ sắp xếp, cắt, tỉa, chăm sóc vườn cây, đưa, đón các cháu đi học.
“Ngày con trai bị tai nạn ở nước ngoài, gia đình tôi đau buồn, lo lắng vô cùng. Nghĩ mất đi đôi bàn tay thì còn gì tương lai nữa. Cuộc sống rồi sẽ ra sao khi còn trách nhiệm nuôi vợ con. Thế nhưng, nay Sỹ mở ra một công việc phù hợp, yêu thích. Thấy cháu nó lạc quan, vươn lên tôi cũng rất vui mừng, rất khâm phục nghị lực của nó. Bởi vậy mà tôi luôn đến đây để cùng giúp sức, động viên, chia sẻ với nó” - ông Đằng chia sẻ.
Bên vườn cây xanh mướt, anh Sỹ chia sẻ, sắp tới để đáp ứng nhu cầu cây cảnh, hoa Tết của khách hàng, anh sẽ nhập về đa dạng chủng loại để phục vụ khách chưng Tết, vui xuân.