Quỹ Tấm lòng Vàng ra đời vì trách nhiệm với xã hội và những điều tử tế

Hồng Phúc |

Những ngày mùa thu tháng 10.1996, khi lũ lụt đang hoành hành tại miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long, nhà báo Phạm Huy Hoàn cùng anh chị em Báo Lao Động đều trăn trở, nghĩ suy, với niềm mong mỏi thôi thúc lên đường cứu trợ bà con. Quỹ Tấm lòng Vàng ra đời từ đó, trong cái nôi bão lũ cùng những tiếng kêu cứu của đồng bào…

Là Tổng biên tập Báo Lao Động những năm 1995-2004, nhà báo Phạm Huy Hoàn – Người “cha đẻ” của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng đã nuôi dưỡng và phát triển “đứa con” ấy lớn lên với tốc độ đáng kinh ngạc. Bắt đầu từ những đóng góp của cán bộ, phóng viên Báo Lao Động, đến công nhân cảng Hải Phòng, lan dần đến các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, các doanh nghiệp và bạn đọc 3 miền đất nước… uy tín của Quỹ Tấm lòng Vàng vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài.

 
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Người cha đẻ đầu tiên của Quỹ Tấm lòng Vàng.

Nhân kỉ niệm 25 năm thành lập và phát triển Quỹ Tấm lòng Vàng, PV Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với nhà báo Phạm Huy Hoàn - Vị lão tướng gắn liền với thương hiệu “Tấm lòng Vàng” trong suốt hơn 30 năm qua.

Quỹ Tấm lòng Vàng ra đời trong bối cảnh người dân miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long đang vật lộn trong bão lũ năm 1996. Tại thời điểm đó, Báo Lao Động đã có sự chuyển mình như thế nào khi có sự xuất hiện của Quỹ Tấm lòng Vàng, thưa ông?

- Trong nhiều sổ sách, tài liệu cũng như các bài báo thời kì đó có ghi chép lại đầy đủ số lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm “khổng lồ” được mọi người gửi về Báo Lao Động tại địa chỉ 51 Hàng Bồ (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để nhờ báo chuyển đến tận tay người dân ở vùng bão lũ thì mọi người sẽ phần nào hình dung ra được khối lượng công việc rất lớn mà anh em báo đảm nhận.

Tôi và anh chị em Báo Lao Động thời kì đó phải nói rằng làm việc không có khái niệm ngày đêm. Mọi người hết giờ làm việc trên cơ quan là phân công nhau ra để đi nhận hàng cứu trợ ở các phố, bến xe, bến tàu để nhanh chóng chuyển đến cho người dân cho kịp thời. Tôi rất khâm phục và biết ơn nhiều anh chị em phóng viên đã xếp công việc gia đình riêng xuống để ưu tiên cho việc cứu trợ đồng bào.

 
Tôi và anh chị em Báo Lao Động thời kì đó phải nói rằng làm việc không có khái niệm ngày đêm.

Có thể nói sự ra đời của Quỹ Tấm lòng Vàng khiến Báo Lao Động “nhộn nhịp hơn” “gấp gáp hơn”. Chúng tôi chạy đua trong từng giây, từng phút vì mỗi khi nhận được bản tin thêm 1 ngôi nhà bị nhấn chìm, thêm 1 người dân mất tích… là tự bản thân mình phải thôi thúc làm nhanh, không cho phép mình chậm trễ.

Nhiều người vô cùng ấn tượng với bức ảnh vị Tổng biên tập báo Lao Động quần xắn qua gối, tay cầm chiếc loa, đứng trên chiếc thuyền cứu trợ để điều phối hoạt động của các anh chị em trong việc tặng phát gạo cho người dân vùng lũ. Nhớ về những ngày đó, chắc hẳn ông có rất nhiều kỉ niệm?

- Quỹ Tấm lòng Vàng nhanh chóng tạo tiếng vang và sức hút rất lớn, tại trụ sở Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ, hàng hóa chất đầy tầng 1. Tôi còn nhớ người của bên hãng hàng không Việt Nam cũng đến ủng hộ và thấy khối lượng hàng hóa gửi về nhiều quá nên đã cho máy bay để giúp đưa số lượng hàng đó chở vào trong miền Trung cho người dân đang bão lũ.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi đã cùng anh em ngay lập tức lên đường mang gạo đến tặng cho từng gia đình bởi tình hình quá cấp bách, họ rất đói vì lũ lụt trong nhiều ngày. Bức hình đó với tôi cũng là kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo. Người dân đến đông vô cùng, họ nhận từng bao gạo có in logo Tấm lòng Vàng Báo Lao Động trong nước mắt và sự xúc động.

 
Nhà báo Phạm Huy Hoàn cùng anh chị em Báo Lao Động trong đợt cứu trợ bà con Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Nhà báo Phạm Huy Hoàn tự hào kể chuyện với PV Báo Lao Động về những kỉ niệm mà Quỹ Tấm lòng Vàng đến với bà con vùng lũ.

Cùng chuyến đi đó, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam cũng trực tiếp đi thuyền với Báo để cứu trợ dân. Mưa ngập đến sát mái nhà, thuyền của chúng tôi phải lách qua mái nhà để đón những người dân còn mắc kẹt ra ngoài. Hình ảnh những gia đình có người già và trẻ nhỏ, họ ngước đôi mắt lên trong sự hi vọng mong manh được cứu và vỡ òa khóc khi tàu cứu trợ của chúng tôi đến… Đó là những điều mà cho đến tận bây giờ, hơn 20 năm rồi, tôi vẫn không bao giờ quên được.

Quỹ Tấm lòng Vàng không chỉ thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong nước mà còn ở nước ngoài. Ông có thể cho biết bạn bè quốc tế đã đón nhận thông tin cũng như đồng hành với Quỹ Tấm lòng Vàng thời kì đó như thế nào không ạ?

- Đúng thời điểm bão lũ, tôi không ra nước ngoài, tôi phải ở lại trong nước. Nhưng ngày đó đã có báo Lao Động điện tử nên bạn bè quốc tế cũng thấy được hình ảnh những người dân ở vùng lũ của mình khổ sở ra sao.

Vì vậy mà Quỹ Tấm lòng Vàng đã tiếp nhận một nguồn tiền khá lớn từ kiều bào nước ngoài, đầu tiên là ở Úc, sau đó là Mỹ, Ba Lan, Hungary, Nhật, Đức, Thái Lan… với số lượng vào khoảng 2 tỉ để đưa xuống cứu trợ khẩn cấp cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào thời gian sau, khi tôi đi công tác ở nước ngoài thì nhiều người đến gặp, nói chuyện và gửi hỗ trợ về giúp đỡ người dân. Họ kể là họ đọc được thông tin trên báo quốc tế (trích dẫn nguồn tin từ Báo Lao Động). Rồi có khách quốc tế du lịch qua Việt Nam, họ cũng đến trụ sở của Báo Lao Động nơi để nhờ báo tặng quà cho người dân.

Tấm lòng của bạn bè quốc tế khiến tôi rất cảm động, trong đó tôi nhớ mãi có bác Việt kiều ở Mỹ còn nhặt những chai lọ cũ gửi về 300 USD giúp đồng bào ta. Đó là những tình cảm vô cùng trân quý mà Quỹ Tấm lòng Vàng đã nhận được thời kì đó.

Trong nhiều chia sẻ quan điểm trước đây của ông, rằng báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin, định hướng xã hội, mà ông còn nhấn mạnh đến tính trách nhiệm xã hội. Điều này thể hiện rất rõ khi mà Tấm lòng Vàng ra đời. Ông có thể chia sẻ kĩ hơn về điều này được không ạ?

 
Tôi luôn nghĩ rằng phải đặt mình vào vị trí những hoàn cảnh khó khăn đó thì mới cảm nhận được họ cần sự giúp đỡ như thế nào

- Tôi luôn nghĩ rằng phải đặt mình vào vị trí những hoàn cảnh khó khăn đó thì mới cảm nhận được họ cần sự giúp đỡ như thế nào. Bác Hồ đã từng dạy: “Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng, mực đen ấy người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu thương”. Và trong cuộc đời làm báo của tôi, tôi luôn tâm niệm “bức thư yêu thương” mà Bác căn dặn đó chính là những bài viết thấm đẫm tính nhân văn- nhân ái đến từ trái tim người làm báo để khởi gợi tấm lòng “thương người như thể thương thân” được lan tỏa trong toàn xã hội.

Tấm lòng Vàng ra đời cũng với mong muốn đó, lan tỏa tình yêu thương và sự nhân ái đến mọi người. Tôi rất cám ơn những anh chị em là phóng viên báo ở các văn phòng vùng miền đặc biệt là miền Trung và đồng bằng Sông cửu Long đã luôn luôn lăn xả. Hình ảnh PV Báo Lao Động người ướt sũng để đưa hàng cứu trợ vào cho người dân đã thực sự gây xúc động đến bạn đọc trong và ngoài nước. Họ nhìn thấy nỗi đau của đồng bào mình nên đã hỗ trợ rất nhiều và liên tục.

Thưa, ông đánh giá như thế nào về những giá trị mà Quỹ Tấm lòng Vàng Báo Lao Động mang lại cho xã hội và ông có đóng góp như thế nào cho sự phát triển tiếp theo của Tấm lòng Vàng trong thời gian tiếp theo?

- Có thể nói tiếng vang của quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động tiếp nối qua thời gian trong suốt 25 năm qua. Những sự đóng góp của Quỹ Tấm lòng Vàng với xã hội là vô cùng lớn với nhiều chương trình và mở rộng đối tượng hỗ trợ, giúp đỡ.

 
Mặc dù tôi làm ở Quỹ Khuyến học, Quỹ Nhân Ái Dân trí nhưng tôi rất tự hào và rất vui khi cho đến tận giờ xuống cơ sở thăm, người ta vẫn gọi tôi với cái tên thân thiện: “Ông Tấm lòng Vàng lại đến rồi”.

Khi mà rời khỏi Báo Lao Động, về xây dựng Quỹ Nhân Ái của Báo Dân trí, tôi áp dụng những điều đã làm ở Lao Động. Mặc dù tôi làm ở Quỹ Khuyến học, Quỹ Nhân Ái Dân trí nhưng tôi rất tự hào và rất vui khi cho đến tận giờ xuống cơ sở thăm, người ta vẫn gọi tôi với cái tên thân thiện: “Ông Tấm lòng Vàng lại đến rồi”.

Phương thức hoạt động của Quỹ tấm lòng Vàng Báo Lao Động đã được áp dụng cho Quỹ Nhân Ái của Báo Dân Trí từ năm 2004, mô hình Báo Lao Động. Và tôi tự hào là người con của Báo Lao Động.

Với những điều đã làm được trong suốt 25 năm qua, tôi có một niềm tin rất lớn vào sự chuyển mình, phát triển hơn nữa trong tương lai của Quỹ Tấm lòng Vàng. Đặc biệt với sự phủ sóng của công nghệ thông tin cũng như uy tín mà Quỹ xây dựng được, tôi tin rằng "Tấm lòng Vàng" sẽ tiếp tục tỏa sáng và khẳng định mình.

Hồng Phúc
TIN LIÊN QUAN

Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng cùng Doanh nghiệp chăm lo cho công nhân

Nam Dương |

Dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân, công nhân lao động cũng là lúc nhiều doanh nghiệp thể hiện rõ nhất trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc chăm lo người lao động và tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm Lòng Vàng tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành với doanh nghiệp để chăm lo cho người lao động, khẳng định dấu ấn trải dài 25 năm qua.

Nhớ một thời Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động nơi rốn lũ

Phấn Đấu |

Trong cuộc đời làm công tác Công đoàn của mình, các anh chị có nhiều kỷ niệm khó quên. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là những ngày “lênh đênh” trên sóng nước ở vùng lũ Đồng Tháp Mười để mang quà của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đến với người dân nghèo đang chờ đợi từng chén cơm, manh áo…

Danh sách bạn đọc Báo Lao Động ủng hộ Quỹ Tấm lòng Vàng từ 1.10-7.10

Khắc Tuấn |

Trong tuần qua, Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng – Báo Lao Động đã tiếp nhận được sự ủng hộ từ các Quý đơn vị, tổ chức, cá nhân như sau:

Bạn đọc Báo Lao Động chắp cánh ước mơ của 4 anh em mồ côi mẹ vì COVID-19

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

Vui mừng, xúc động, ông Võ Văn Đức và 4 người con gửi lời cảm ơn đến bạn đọc Báo Lao Động đã quan tâm, giúp đỡ cho gia đình trong giai đoạn khó khăn hiện tại khi 4 em vừa mồ côi mẹ vì COVID-19, gia đình lại không có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Danh sách bạn đọc Báo Lao Động ủng hộ Quỹ Tấm lòng Vàng từ ngày 24.9-30.9

Khắc Tuấn |

Trong tuần qua, Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng – Báo Lao Động đã tiếp nhận được sự ủng hộ từ các Quý đơn vị, tổ chức, cá nhân như sau:

Tìm thấy 38 thi thể vụ sạt lở đẩy trôi xe, có nạn nhân cách 20km

Tân Văn |

38 thi thể trong các vụ sạt lởCao Bằng đã được tìm thấy.

Yên Bái lại xảy ra sạt lở đất khiến 9 người thương vong

Bảo Nguyên |

Trong sáng 12.9, tỉnh Yên Bái xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 5 người chết và 4 người bị thương.

4 người từ chối trả lại tiền tỉ vụ cựu sếp Eximbank lừa đảo

VIệt Dũng |

Ngoài làm rõ hành vi lừa đảo của Vũ Thị Thu Nhung - cựu Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Ba Đình, công an xác định nhiều cá nhân nhận tiền tỉ chênh lệch.